Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn sử dụng, thu gom và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật

( Cập nhật lúc: 26/03/2019  )
Thời gian vừa qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng đã được các cấp Hội triển khai thực hiện, một số địa phương đã chủ động bố trí nguồn lực để bể xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên do công tác tuyên truyền còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng bể chứa chưa đáp đáp ứng được nhu cầu, vị trí đặt bể chưa thuận tiện… nên việc sử dụng thuốc BVTV chưa được áp dụng theo kỹ thuật “4 đúng”; công tác thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.


Ngày 20/3/2019 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn ban hành Công văn số 436 về việc hướng dẫn sử dụng, thu gom và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, Hội Nông dân tỉnh đề nghị Hội Nông dân các huyện, thành phố hướng dẫn các cơ sở Hội thực hiện những nội dung theo link Công văn gửi kèm và Hướng dẫn sử dụng, thu gom và vận chuyển bao gói thuốc BVTV dưới đây: CV hướng dẫn sử dụng, thu gom và vận chuyển bao gói thuốc BVTV

 

HƯỚNG DẪN

Sử dụng, thu gom và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

(Ban hành kèm theo văn bản số 436/SNN-TT&BVTV ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn)

 

I. Thuốc bảo vệ thực vật và ảnh hưởng của vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

1. Thuốc bảo vệ thực vật

1.1. Định nghĩa: Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là những chế phẩm có nguồn ngốc từ hóa chất, thực vật, động vật, vi sinh vật và các chế phẩm khác dùng để:

- Phòng, trừ sinh vật gây hại cây trồng, nông sản như: Sâu, bệnh, chuột, cỏ dại, nhện hại, ốc bươu vàng, mối…;

- Bảo quản các sản phẩm nông lâm nghiệp và khử trùng kho;

- Xua đuổi hoặc thu hút các loại sinh vật gây hại cây trồng đến sau đó tiêu diệt;

- Điều hòa sinh trưởng cây trồng, làm rụng lá cây để dễ thu hoạch, làm khô cây.

1.2. Các loại thuốc BVTV phân loại theo đối tượng cần phòng trừ như sau:

Thuốc trừ sâu; thuốc trừ bệnh hại; thuốc diệt cỏ dại; thuốc trừ chuột; thuốc trừ nhện hại; thuốc trừ ốc bươu vàng; thuốc trừ tuyến trùng; thuốc điều hòa sinh trưởng cây, sinh vật gây hại; thuốc trừ mối; thuốc bảo quản lâm sản; thuốc khử trùng kho.

2. Ảnh hưởng của bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

- Gây ô nhiễm từ nguồn thuốc còn bám dính lại trên vỏ bao;

- Gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người do bị xây xát, thương tích khi tiếp xúc với bao bì, đặc biệt là các dạng chai thủy tinh;

- Gây ô nhiễm môi trường từ các dạng bao, túi nhựa hay các chất hữu cơ khó phân giải khác tích tụ lại.

II. Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Việc sử dụng các loại thuốc BVTV có thể gây nhiễm độc da tay do tiếp xúc trực tiếp khi pha chế, khi phun; có thể dây dính lên người khi phun mà không mang phương tiện bảo vệ hợp lý; có thể gây nhiễm độc qua đường hô hấp do hít phải những hạt thuốc BVTV nhỏ bé trong không khí (các loại khẩu trang thông thường làm bằng vải không thể ngăn cản được các hạt thuốc BVTV này).

1. Sử dụng hợp lý thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo Quản lý dịch hại tổng hợp - IPM: Tiết kiệm được chi phí, giữ cân bằng sinh thái trên đồng ruộng, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Sử dụng thuốc an toàn với thiên địch: Lựa chọn thuốc ít độc hại, chọn thời gian và phương thức xử lý ít ảnh hưởng với thiên địch.

2. Kỹ thuật 4 đúng trong việc dùng thuốc BVTV

2.1. Đúng thuốc

Khi sử dụng thuốc BVTV, cần phải biết rõ loài sâu, bệnh cần phòng trừ, tham khảo ý kiến cán bộ chuyên môn BVTV hoặc cán bộ nông lâm nghiệp địa phương. Ưu tiên lựa chọn sử dụng các loại thuốc có tác động chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích, động vật máu nóng. Nên chọn mua những loại thuốc an toàn với cây trồng, ít gây hại với người tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt chú ý khi mua và sử dụng thuốc diệt cỏ.

2.2. Đúng liều lượng

Sử dụng đúng nồng độ, liều lượng bao gồm lượng thuốc và lượng nước pha trộn để phun trên một đơn vị diện tích cây trồng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật. Việc tùy tiện tăng nồng độ thuốc lên cao sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng, cây trồng, vật nuôi, môi trường và làm tăng chi phí; nếu phun ở nồng độ thấp sẽ làm cho sâu bệnh nhờn thuốc, kháng thuốc, tạo nguy cơ bùng phát dịch.

Để đảm bảo sử dụng đúng liều lượng, nồng độ, phải có dụng cụ cân, đong thuốc, không ước lượng bằng mắt, không bốc thuốc bột bằng tay. Phải phun hết lượng thuốc đã pha trộn, không để dư thừa qua hôm sau hay lần sau.

2.3. Đúng thời điểm

Cần phun thuốc vào thời điểm sâu bệnh dễ bị tiêu diệt, phun ở giai đoạn sâu tuổi nhỏ và ở giai đoạn đầu khi bệnh mới phát sinh. Phun vào lúc trời râm mát, không có gió to để thuốc tiếp xúc bám dính tốt hơn trên bề mặt lá. Hạn chế phun lúc cây đang ra hoa. Việc phun thuốc khi trời nắng nóng sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc, còn phun khi trời sắp mưa có thể làm rửa trôi thuốc. Không phun thuốc vào thời điểm sắp thu hoạch để đảm bảo thời gian cách ly của thuốc. Phun khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh đạt đến ngưỡng gây hại kinh tế.

2.4. Đúng cách 

Thuốc BVTV được hướng dẫn sử dụng từng thuốc và đa dạng thuốc. Chế phẩm dạng bột, thấm nước, dạng sữa phải pha với nước; dạng hạt, viên nhỏ thì rải vào đất; có dạng để phun mù, phun sương với lượng rất nhỏ hoặc có dạng thuốc chỉ để xông hơi, khử trùng kho tàng... Đa số thuốc BVTV trong trồng trọt thuộc dạng pha với nước hoặc rải vào đất.

Riêng với thuốc trừ cỏ càng phải thận trọng, sử dụng đúng cách để không chỉ hạn chế tác hại của cỏ dại mà còn bảo vệ cây trồng, kể cả diện tích cây trồng gần nơi xử lý. Cần lưu ý hướng gió và tốc độ gió để thuốc không bay xa đến nơi không cần thiết hoặc thuốc bị tạt vào người phun.

III. Phương pháp thu gom thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

Các loại bao bì, chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật thải bỏ trong quá trình hoạt động sản xuất nông nghiệp là chất thải nguy hại, do đó cần được thu gom, xử lý riêng, công tác thu gom bao gói thuốc BVTV thực hiện như sau:

1. Làm sạch bao gói thuốc BVTV sau sử dụng

Bao gói thuốc bảo vệ thực vật cần được rửa sạch ngay sau khi dùng hết thuốc với kỹ thuật 3 lần rửa tách rời nhau liên tiếp, gồm các bước:

Bước 1: Gạn hết thuốc trong bao gói thuốc BVTV vào bình phun (đến khi hết nhỏ giọt nếu là dung dịch).

Bước 2: Cho nước sạch bằng 1/4 - 1/3 dung dịch của bao gói thuốc BVTV qua sử dụng rồi vặn nắp chai hoặc gấp kín miệng mép bao gói.

Bước 3: Lắc mạnh trong khoảng 30 giây.

Bước 4: Mở nắp hoặc mép gấp gói, đổ lượng nước rửa vào bình phun đến khi không còn nhỏ giọt.

Làm lại từ Bước 2 đến Bước 4 đủ 3 lần để đảm bảo bao gói thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng được rửa sạch. Cần chú ý:

- Nắp chai (nhất là đường ren) của bao gói thuốc BVTV qua sử dụng cần rửa hết thuốc tồn dư.

- Rửa sạch cả thuốc tồn dư dính bên ngoài bao gói thuốc BVTV qua sử dụng và đổ vào bình phun.

- Nước rửa sau cùng trong và không nhìn thấy thuốc tồn dư là được.

2. Thu gom vào bể chứa thuốc BVTV sau sử dụng

Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, làm sạch và thu gom về các bể chứa. Bể chứa thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo yêu cầu:

a) Đặt tại các vị trí thích hợp, dễ nhận biết ven đường, trục giao thông nội đồng, bờ ruộng lớn; không bị ngập lụt, gần điểm pha chế thuốc trước khi phun để thuận tiện cho việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư, giao thông và mỹ quan nông thôn.

b) Bể chứa làm bằng vật liệu bền chắc, có khả năng chống ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hóa học với chất thải chứa bên trong; chống thấm, không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài; đảm bảo không bị gió, nước làm xê dịch.

c) Bể chứa có hình ống hoặc hình chữ nhật phù hợp với địa điểm đặt bể chứa, thuận tiện cho việc di chuyển. Dung tích bể chứa khoảng 0,5 - 01 m3, có nắp đậy kín. Nắp bể chứa chắc chắn, không bị gió, mưa làm xê dịch và rộng hơn thành bể tối thiểu 05 cm để tránh nước mưa chảy vào; bên thành đứng của bể chứa có ô cửa nhỏ gần nắp đậy có thể đóng mở dễ dàng; bể có chiều cao thích hợp để phòng ngừa nước lũ tràn vào bên trong.

d) Bên ngoài bể chứa có ghi dòng chữ “Bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về Chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo.

đ) Tùy thuộc vào đặc điểm cây trồng và mức độ sử dụng thuốc BVTV, số lượng bể chứa phải đảm bảo đựng hết bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong vùng đất canh tác. Nhưng tối thiểu phải có 01 bể chứa trên diện tích 03 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

IV. Vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng

1. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom từ bể chứa hoặc khu vực lưu chứa được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn.

2. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lưu chứa ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng.

3. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

V. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

1.1. Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm:

a) Sau khi pha chế, phun rải thuốc bảo vệ thực vật phải rửa sạch, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để vào bể chứa theo quy định;

b) Để riêng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng;

c) Không sử dụng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào các mục đích khác;

d) Không tự ý đốt hoặc đem chôn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

1.2. Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng có trách nhiệm:

a) Tổ chức thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong địa bàn quản lý của doanh nghiệp;

b) Ký hợp đồng chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại để xử lý;

c) Thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT;

d) Trả chi phí cho việc xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật

a) Thực hiện các biện pháp an toàn lao động trong quá trình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

b) Trang bị bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ, ủng cao su và các phương tiện, vật tư cần thiết khác phục vụ việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

c) Ký hợp đồng và được trả công theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với người sử dụng lao động trong việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

3. Trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp

3.1. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố có trách nhiệm:

a) Tổ chức, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn; quản lý việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn;

b) Quản lý hoạt động chuyển giao bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng của Ủy ban nhân dân cấp xã với đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp theo quy định về quản lý chất thải nguy hại để vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

c) Kiểm tra, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định của pháp luật;

d) Hàng năm, tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp).

3.2. Ủy ban nhân dân cấp xã, thị trấn có trách nhiệm:

a) Quy định địa Điểm đặt bể chứa, triển khai xây dựng bể chứa bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT;

b) Quy định địa Điểm đặt khu vực lưu chứa (nếu có), triển khai xây dựng khu vực lưu chứa theo quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT;

c) Tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn thu gom bao gói vào bể chứa và thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan;

d) Kiểm tra, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định của pháp luật;

đ) Hàng năm, tổng hợp tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố./.

 

 

 

Sign In