Thoát nghèo từ mô hình kinh tế tổng hợp
( Cập nhật lúc:
24/12/2020
)
Anh Lèng Thái Nghiệp, tổ 5 phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Với sự cần cù, ham học hỏi, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, không chỉ nâng cao chất lượng đời sống mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Những ngày thời tiết lạnh giá, anh Nghiệp lại bận rộn gia cố chuồng nuôi nhốt trâu, bò, dự trữ thức ăn khô như rơm rạ, cám ngô, quây bạt kín để tránh rét cho vật nuôi. Hai năm gần đây, anh đầu tư vốn nuôi trâu, bò vỗ béo, trung bình mỗi năm xuất bán hơn 30 con, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Để có kinh nghiệm lựa chọn con giống, anh đã tìm hiểu các mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng ở nhiều địa phương trong tỉnh, học hỏi và làm theo.
Gần 3.500m2 đất ruộng, anh Nghiệp dành hơn 2.000m2 để trồng ngô và cỏ voi, nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò và tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Diện tích 1.500m2 đất còn lại anh phát quang, xây bờ kè đào ao thả cá. Ngoài việc tạo hệ thống dẫn nước suối chảy vào ao liên tục, anh còn chú trọng đến việc xử lý các loại thức ăn thô như cỏ, thân và lá chuối tồn dư trong ao, bảo đảm môi trường nước sạch sẽ. Với đủ các loại cá trắm, chép, trôi, mè... trọng lượng từ 01 đến 4,5kg, mỗi năm thu nhập từ ao cá khoảng 30 triệu đồng. Nhiều người ở các địa phương lân cận tìm đến ao của gia đình anh để trải nghiệm thú vui câu cá. Anh cũng đang hướng tới việc cung cấp một số dụng cụ, vật dụng phục vụ nhu cầu của khách.

Anh Lèng Thái Nghiệp (bên trái) đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao
Nhiều năm nay, vợ chồng anh Nghiệp duy trì chăn nuôi lợn thịt mỗi lứa từ 30 con trở lên. Việc phòng, chống dịch bệnh được đặc biệt quan tâm, không xảy ra tình trạng lây nhiễm, vì vậy, thời gian qua, anh luôn có lợn thương phẩm xuất bán, đạt giá trị kinh tế gần 100 triệu đồng/năm. Anh Nghiệp chia sẻ: "Lợi thế của gia đình tôi chính là có vườn bãi rộng nên có thể tách biệt chuồng trại từng loại vật nuôi. Bên cạnh đó cũng cần tích cực vệ sinh, thường xuyên khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, cần bổ sung các loại vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng, chú trọng chăm sóc vật nuôi".
Cùng với chăn nuôi, anh Nghiệp đầu tư trồng rừng gồm các loại cây như keo, quế, mỡ... 5,5ha rừng của gia đình ở độ tuổi từ 2 -10 năm. Nếu diện tích keo khai thác trắng, anh liền trồng gối cây quế hoặc ngược lại. Đối với cây mỡ thì đầu tư phân bón để chăm sóc chồi tái sinh. Trong 2 năm đầu tiên còn có thể tận dụng trồng xen ngô dưới gốc mỡ để tăng giá trị kinh tế. Năm 2019, anh mạnh dạn trồng thử nghiệm hơn 50 gốc bưởi Diễn tại vườn. Do lựa chọn được giống có nguồn gốc, sưu tầm kỹ thuật qua sách, báo, tài liệu, sau hơn một năm cây đã bói quả.
Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuất Hóa nhận định: “Mô hình kinh tế của anh Lèng Thái Nghiệp thực sự là mô hình điển hình trên địa bàn phường. Tinh thần hăng say lao động, chịu thương chịu khó đã giúp anh từ một hộ thuộc diện nghèo, vươn lên trở thành hộ có kinh tế vững. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình anh Nghiệp khoảng 300 triệu đồng. Nhờ phát triển sản xuất đa dạng nên anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 người, thuê thêm khoảng 12 lao động thời vụ. Anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ vốn vay, vật tư nông nghiệp cho những hộ còn khó khăn để cùng nhau vươn lên, phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, làm giàu hiệu quả"./.