Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tấm gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi, giàu lòng nhân ái

( Cập nhật lúc: 12/11/2021  )
Không chỉ được biết đến là tấm gương điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều năm qua, ông Hà Tạ Tong ở thôn Bản Phố, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn được mọi người yêu mến, nể trọng bởi tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo.


Nằm ngay cạnh con đường trục chính đi vào thôn Bản Phố, vườn bưởi da xanh của gia đình ông Tong năm nay bắt đầu cho thu hoạch. Đang bận rộn tỉa cành, bọc quả, ông Tong tươi cười cho biết: “Chỗ đất ruộng này ngày trước vẫn cấy lúa, tuy nhiên hiệu quả không cao nên tôi quyết định chuyển đổi sang trồng bưởi. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, những loại côn trùng, bệnh hại tôi cũng chưa biết cách xử lý. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của một số người làm vườn lâu năm, xem thêm sách báo, tài liệu, xem hướng dẫn qua mạng internet, tôi đã biết cách chăm sóc và trị bệnh, diệt được các loại côn trùng như nhện đỏ, nhện vàng, sâu vẽ bùa... Năm nay bưởi cho quả đều, mã đẹp, chất lượng cũng thơm ngon”.

 

 

Ông Hà Tạ Tong luôn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao

 

Không trồng bưởi trên đất bằng, ông Tong múc đất, chia thành từng luống dọc cao khoảng hơn 1 mét, đưa nước vào các rãnh vừa để cung cấp nước cho cây, vừa tận dụng thả các loại cá chép, rô để cải thiện bữa ăn gia đình. Theo ông Tong, giống bưởi này có bộ rễ chùm, mọc tỏa ra xung quanh, hơn nữa lượng nước được ông điều chỉnh thường xuyên nên không lo cây bị ngập úng. Mặc dù vườn bưởi mới hơn 3 năm tuổi nhưng đều xanh tốt. Cá chép, cá rô nuôi ở đây đạt trọng lượng trung bình khoảng 1kg, nhiều khi ông phải bán tỉa bớt để chúng phát triển đồng đều. Ngoài ra, ông còn trồng gần 2ha cây mơ, 2ha cây keo 4 năm tuổi, đem lại nguồn thu nhập đều đặn.

Trong căn nhà cao tầng rộng rãi, khang trang, ông Tong chia sẻ về những ngày đầu mới bắt tay xây dựng mô hình kinh tế, ông cho biết: “Từ những năm 2003, khi đó hai vợ chồng tôi chỉ nuôi vài con gà, cấy ít lúa để đảm bảo lương thực. Những lúc đau ốm không biết trông cậy vào đâu, tôi quyết tâm thay đổi. Tôi mạnh dạn thế chấp đất đai, vay vốn Ngân hàng, vay mượn anh em, bạn bè, đầu tư nuôi lợn với quy mô lớn. Gia đình tôi là hộ đầu tiên ở địa phương chăn nuôi lợn với số lượng 80 con. Bản thân tôi không quản ngại sớm khuya, chăm chút đàn lợn, từ công tác vệ sinh cho đến việc tận dụng nguồn thức ăn thô, nấu cám ngô, cám gạo, rau chuối để giảm chi phí”.

Gắn bó với nghề chăn nuôi đã nhiều năm, bản thân ông Tong cũng trải qua nhiều thăng trầm, gặp nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, giá cả thị trường... Tuy nhiên, ông vẫn vững tâm, trang bị cho mình kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi. Hiện nay, chuồng trại của gia đình ông được xây dựng kiên cố, hiện đại. Hệ thống quạt mát, phun sương, vòi nước uống, máng ăn tự động cho đàn lợn được lắp đặt. Bể bioga khử mùi cũng được lắp đặt, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình cũng như không khí xung quanh. Việc tiêm phòng, khử khuẩn được thực hiện thường xuyên. Thông thường, gia đình ông duy trì đàn lợn từ 80 - 100 con/ lứa. Để giảm chi phí con giống đầu vào, ông nuôi từ 8 - 10 nái mẹ để lấy giống. Mỗi năm, ông xuất bán khoảng 130 tấn lợn thịt.

Kinh tế khá giả, ông Tong càng có điều kiện quan tâm, giúp đỡ mọi người hơn. Nhiều năm nay, ông sẵn sàng cho những hộ nghèo, hộ mới lập gia đình kinh tế còn khó khăn đến vay mượn con giống, vật tư. Những con lợn nái mẹ được hộ nghèo đưa về, sau khi sinh sản 2 - 3 lứa thì trả lại nái cho gia đình ông Tong. Mỗi năm, ông Tong đứng ra cung ứng khoảng 50 tấn thức ăn chăn nuôi cho 15 hộ; ứng 10 tấn phân bón cho khoảng 40 hộ trên địa bàn xã. Sau khi bà con thu hoạch hoa màu hoặc bán sản phẩm mới phải thanh toán tiền gốc và hoàn toàn không mất lãi. Ông Tong chia sẻ tiếp: “Đi lên từ hai bàn tay trắng nên tôi rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con khi bắt tay vào làm kinh tế. Tôi chỉ mong sao mọi người chịu thương chịu khó, tích cực học hỏi để cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất mà mình sinh ra”.

Ông Phùng Văn Nghi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Kỳ cho biết: “Đã có nhiều hộ thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của gia đình ông Tong. Đó là những việc làm hết sức nghĩa, thiết thực, tạo động lực cho bà con nỗ lực vươn lên, làm chủ cuộc sống của chính mình. Bà con nông dân ở đây luôn yêu mến ông Tong. Sự chia sẻ kinh nghiệm, sự chất phác, hòa đồng của ông khiến mọi người tin tưởng, quý trọng”.

Ông Tong còn là nhân tố tích cực tham gia các công việc chung ở địa phương. Khi Nhà văn hóa thôn Bản Phố được xây dựng, ông đóng góp hơn hai triệu đồng tiền mặt. Vợ chồng ông cùng hăng hái góp công lao động khi làm các công trình chung và vận động bà con cùng tham gia. Hằng năm, ông tự nguyện đóng góp các loại quỹ cho các Chi hội với mức 500.000 đồng/loại quỹ. Gia đình ông là hộ đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua do cơ sở phát động.

Với những nỗ lực, phấn đấu của mình, nhiều năm liền, ông Tong được chính quyền các cấp, Hội Nông dân các cấp ghi nhận, tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi, lại có tấm lòng nhân ái, luôn sống có ích cho cộng đồng như ông Hà Tạ Tong là vô cùng đáng qúy, đáng được nhân rộng để lan toả thêm những gương người tốt, việc tốt khác trong thời gian tới./.


Nguồn: Thu Hường/ baobackan.org.vn
Sign In