Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nông dân làm kinh tế từ trồng rừng và sản xuất gỗ bóc

( Cập nhật lúc: 29/08/2022  )
Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, anh Đinh Sĩ Hằng 54 tuổi, thôn Nà Tôm, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn vượt khó vươn lên làm kinh tế trở thành chủ xưởng sản xuất gỗ bóc có thu nhập khá và tạo việc làm, khai thác lợi thế địa phương.

 

Những năm trước đây, gia đình anh Hằng chủ yếu làm ruộng, dù chịu khó nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, thiếu thốn. Khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng do Hội Nông dân các cấp triển khai, anh Hằng mạnh dạn vay vốn ngân hàng qua kênh Hội Nông dân xã, hai vợ chồng phát đồi trồng 2 ha cây keo lai, mua thêm đất đồi trồng được 2 ha cây mỡ, 2 ha cây bồ đề. Khi rừng trồng chưa khép tán, gia đình trồng xen ngô, cây họ đậu để có thêm nguồn trang trải cuộc sống gia đình.


 

Anh Đinh Sĩ Hằng thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng dàn máy bóc gỗ của gia đình

 

Năm 2018, nhận thấy nghề chế biến lâm sản tại địa phương có nhiều tiềm năng và rừng trồng của gia đình đã đến tuổi khai thác gỗ nên anh Hằng tiếp tục vay vốn qua kênh Hội Nông dân và vay thêm họ hàng mở xưởng gỗ bóc, đầu tư mua máy móc, làm nhà xưởng, thuê lao động địa phương…

Anh Hằng cho biết: Sản xuất gỗ bóc hoàn vốn nhanh, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa bàn,sau khi trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, nguồn gỗ đầu thừa, đuôi thẹo dùng làm củi đun hay làm chuồng trại… Để tạo được uy tín với khách hàng, khi thực hiện một lô hàng, cần chọn lọc kỹ chất lượng gỗ đầu vào và hướng dẫn tỷ mỷ cho công nhân bóc, xẻ đúng tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật… Nhờ vậy đầu ra của sản phẩm ổn định hơn. Khi xưởng gỗ bóc hoạt động ổn định đã giúp tiêu thụ khối lượng lớn gỗ rừng trồng của bà con trong xã và các xã lân cận, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương

Năm 2020, gia đình anh Hằng mở thêm một xưởng chế biến gỗ bóc cạnh nhà. Hai xưởng chế biến gỗ bóc đầu tư ban đầu trên tỷ đồng, mỗi tháng sản xuất khoảng 650m3 ván, tiêu thụ gần 2000m3 gỗ, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 29 lao động địa phương với thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm gỗ bóc loại 1 có giá khoảng 3 triệu đồng/m3, loại 2 khoảng 1,7 triệu đồng/m3.

Ba năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá gỗ nhập vào cao hơn nhiều so với những năm trước nhưng giá sản phẩm gỗ bóc không tăng nên nhiều xưởng trong vùng phải đóng cửa nhưng xưởng của gia đình anh nhờ quản lý tốt, chủ động mở rộng thị trường và sản phẩm giữ được chữ tín nên sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hai năm nay, sau khi trừ chi phí xưởng gỗ bóc gia đình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, gỗ rừng trồng của gia đình đã cho khai thác thu thêm trên 600 triệu đồng, thu 10 triệu đồng từ ao nuôi 2000m2 nuôi cá trắm, chép, rô phi, mè.

Với tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình vừa tạo công ăn việc làm cho lao động trong xã, thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ hộ khó khăn, anh Đinh Sỹ Hằng là một trong số những hội viên nông dân tiêu biểu của xã, của huyện nhà, dám nghĩ, dám làm phát triển kinh tế và làm giàu bền vững./.

Dương Văn Cử - Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn
Sign In