Hội viên nông dân làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả và trồng rừng
( Cập nhật lúc:
08/08/2022
)
Với hơn 8 ha diện tích đất đồi rừng, gia đình anh Bùi Văn Dũng, 45 tuổi, thôn Bản Tràn, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã mạnh dạn đầu tư trồng cây cam, quýt và trồng rừng, từ đó vượt khó, vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền.
Vợ, chồng ang Dũng đều sinh ra trong gia đình thuần nông, đông anh em, khi mới ra ở riêng cuộc sống thiếu thốn đủ bề, bao năm nay đất đồi của gia đình chủ yếu chỉ trồng ngô, khoai, sắn, hàng năm thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Không chấp nhận cuộc sống khó khăn, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn trồng cây ăn quả và đi thăm quan các mô hình trồng cây cam, quýt và mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng quýt, chặt phát đồi cây gỗ tạp để trồng 01 ha cây quýt từ hạt giống địa phương.
Nhờ chịu khó trồng, chăm sóc vườn quýt đúng quy trình, cùng với những kinh nghiệm học được, sau gần 10 năm vườn quýt của gia đình anh Dũng đã cho thu hoạch và những năm sau cho thu nhập cao hơn năm trước.

Anh Bùi Văn Dũng bên ngôi nhà mái nhật mới được xây dựng từ tiền trồng cam, quýt và trồng rừng
Để tăng thêm nguồn thu nhập, năm 2012 vợ chồng anh Dũng tiếp tục tìm giống quýt ghép mới và trồng thêm 01 ha, sau 4 năm đã cho thu hoạch, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Thấy trồng cây có múi cho hiệu quả kinh tế ổn định, đất đai, khí hậu địa phương phù hợp với loại cây này nên anh Dũng tiếp tục đi học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cam tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Năm 2014, gia đình anh đầu tư trồng hơn 01 ha giống cây cam sành và sau 5 năm đã cho thu hoạch với sản lượng lớn, giá cả ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cam, quýt anh Dũng cho biết: Để cây cam, quýt phát triển khỏe mạnh, sai hoa kết trái tốt thì phải chọn giống khỏe, khoảng cách trồng đúng quy trình, bón phân cân đối, tỉa cành đúng thời vụ, quản lý tốt sâu bệnh, không lạm dụng thuốc hóa học bảo vệ thực vật và nên sử dụng phân vi sinh để bón cho vườn cam, quýt... Vườn cây ăn quả có múi của gia đình từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình nên luôn tươi tốt, mùa thu hoạch quả sai trĩu cành. 3 năm gần đây sau khi trừ chi phí phân bón, thuê thu hoạch đã cho gia đình tổng thu nhập trên 200 triệu đồng và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương với hơn 40 lao động thời vụ.
Cùng với đó nhận thấy nhu cầu về gỗ rừng trồng, phục vụ xây dựng, chế biến lâm sản trên thị trường ngày càng lớn, giá ít biến động, vợ chồng anh vay vốn người thân cùng với nguồn kinh tế của gia đình anh Dũng tìm mua thêm đất đồi cạnh nhà để trồng rừng. Mỗi năm trồng một ít, đến nay gia đình anh đã trồng được trên 3 ha cây mỡ, 02 ha cây keo lai được hơn 10 năm tuổi và đã cho thu hoạch. 3 năm nay khai thác từ rừng trồng, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Không ngừng học hỏi, nhận thấy rừng keo mấy năm nay thường bị sâu bệnh, đồi trồng cây keo đúng luồng gió, khi có gió mạnh cây bị gẫy đổ nhiều, nên anh chuyển sang trồng giống cây bạch đàn nuôi cấy mô được hơn 1,5 ha. Hiện tại cây cao lớn đồng đều, ít bị sâu bệnh.
Ông Bàn văn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Phong chia sẻ: Gia đình anh Bùi Văn Dũng là hộ hội viên nông dân tiêu biểu của xã về phát triển kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng;,mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã vươn lên trở thành hộ khá giả. Anh Dũng còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn nhiều hộ trồng cam quýt, trồng rừng tại địa phương nên nhiều hộ trong xã đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Gia đình anh Bùi Văn Dũng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền…
Từ hai bàn tay trắng, với ý chí quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, vợ chồng anh đã xây được nhà mái nhật khang trang ngay trung tâm thôn mặt đường quốc lộ với đầy đủ tiện nghi, người con trai cả có việc làm ổn định, người con gái thứ đang học tiểu học. Ba năm gần đây gia đình là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và thu hút nhiều hộ nông dân đến học hỏi và làm theo.../.