Gương hội viên nông dân vùng cao vượt khó, vươn lên làm giàu
( Cập nhật lúc:
28/09/2021
)
Trong những năm gần đây, từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Hội Nông dân phát động, trên địa bàn huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ hội viên nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Đặng Văn Lẩy, hội viên nông dân thôn Bản Đính xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm là một điển hình trong số đó.
Năm 1996, ông Lẩy dựng được ngôi nhà nhỏ tại thôn Bản Đính bắt đầu gây dựng lập nghiệp, khi mới ra ở riêng cuộc sống muôn vàn khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, làm thuê, làm mướn, đời sống kinh tế eo hẹp. Làm sao để thoát nghèo? Đó là câu hỏi mà ông luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm hướng đi vươn lên thoát nghèo. Với bản chất cần cù, chịu khó cùng với ý chí quyết tâm cao và là hội viên nông dân tham gia vào tổ chức Hội đã từ rất lâu nên ông Lẩy thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi… do Hội tổ chức, từ đó ông Lẩy có thêm kiến thức để áp dụng vào việc phát triển kinh tế của gia đình.
Với số vốn ban đầu 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống để phát triển chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt và trâu, bò vỗ béo. Từ lợi thế của địa phương có phiên chợ bán trâu, bò giống và trâu, bò thịt, gia đình ông đã không phải lo tìm đầu ra từ các địa phương xa xôi mà bán ngay tại xã nhà. Từ hiệu quả kinh tế thu được, ông trả được tiền vay ngân hàng và đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, tăng số lượng đầu con.
Đến nay, sau hơn 10 năm phát triển sản xuất, chăn nuôi, hiện tại trong chuồng nhà ông luôn duy trì khoảng 30 con lợn thịt giống địa phương, 02 con lợn nái để gây giống, 6 con trâu, bò nuôi vỗ béo, bên cạnh đó gia đình còn làm thêm nghề nấu rượu phục vụ nhu cầu của địa phương,trung bình mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 80 lít rượu ngô, với giá trung bình 25.000 đồng/ 01 lít cũng tăng thu nhập thêm cho gia đình. Để có nguồn nguyên liệu duy trì nghề nấu rượu gia đình ông Lẩy luôn duy trì trồng 1,7 ha ngô, sản phẩm bống rượu ông tận dụng làm thức ăn chăn nuôi cho lợn và trâu, bò vỗ béo. Do đó tổng thu nhập của gia đình hàng năm từ khoảng 200 đến 300 triệu đồng.
Ông Lẩy cho biết: Để đàn lợn và trâu, bò phát triển ổn định, ít bị dịch bệnh đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn hiểu biết kỹ thuật, có quy trình chăn nuôi hợp lý đảm bảo vệ sinh thú y chuồng trại. Vì vậy, mỗi khi nhập tái đàn đều phải tuân thủ nghiêm ngặt việc vệ sinh khử khuẩn chuồng trại, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi. Trong quá trình chăn nuôi cần thường xuyên dọn rửa chuồng trại, phun thuốc khử trùng để đảm bảo cho khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ. Về nguồn thức ăn chăn nuôi nên lựa chọn thức ăn chăn nuôi do chính gia đình tự sản xuất ra như: ngô, cám, chuối, bống rượu,… để đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi an toàn. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi mà đàn vật nuôi của gia đình đã hạn chế được dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt, luôn bán được giá cao và được các thương lái tin tưởng.

Ông Đặng Văn Lẩy - xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm
Mặc dù công việc việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình rất bận rộn, nhưng ông Lẩy vẫn luôn giành thời gian để hướng dẫn, chia sẻ những kinh nghiệm đã tích lũy được trong những năm qua cho bà con nông dân trong thôn học hỏi; hằng năm vào vụ chăm sóc, thu hoạch ngô gia đình phải thuê thêm lao động tạo điều kiện việc làm theo thời vụ cho lao động trong thôn từ 5 - 7 người, với mức thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.
Ông Đặng Văn Chàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghiên Loan cho biết: Ông Lẩy là một trong những hội viên nông dân cần cù, chịu khó phát triển kinh tế, luôn tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt Chi hội, gương mẫu tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động, đặc biệt là trong thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Nhiều năm liền, gia đình ông đều đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã và huyện (năm 2018 - 2019 đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, năm 2020 đạt cấp huyện).
Từ một hộ gia đình khó khăn, ăn bữa nay, lo bữa mai, hiện nay đã trở thành hộ khá giả, có của ăn của để, kinh tế ổng định ở địa phương, đó chính là thành quả cho ý chí, nghị lực và những sự cố gắng lao động không biết mệt mỏi của gia đình ông Lẩy. Có thể nói, mô hình chăn nuôi, dịch vụ của gia đình ông Lẩy là một mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện nguồn lao động của bà con nông dân ở thôn Bản Đính nói riêng và nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Pác Nặm nói chung. Nhân rộng sẽ là một hướng đi đúng đắn, tăng thu nhập giúp cho nhiều hộ nông dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội ở địa phương./.