Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tài liệu tuyên truyền về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm

( Cập nhật lúc: 03/06/2021  )
Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cung cấp tài liệu tuyên truyền về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp (Nguồn: Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bắc Kạn) với nội dung cụ thể như sau:


1. Thực hiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi.

2. Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

3. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi.

4. Xử phạt về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tươi sống sử dụng làm thực phẩm.

5. Có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng nếu sử dụng sản phẩm động vật chết do bệnh, dịch bệnh để chế biến thực phẩm./.

 .............

 

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

Về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp

 

1. Thực hiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi

Vệ sinh thú y là việc đáp ứng các yêu cầu nhằm bảo vệ sức khỏe động vật, sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái.

Điều kiện vệ sinh thú y cơ sở chăn nuôi bao gồm các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi; thức ăn; quản lý con giống; quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh tiêu độc, khử trùng; kiểm soát côn trùng và động vật gây hại; kiểm soát dịch bệnh; vệ sinh người chăn nuôi; quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của vật nuôi nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, không gây hại cho sức khoẻ con người và không gây ô nhiễm môi trường.

Quản lý vệ sinh môi trường là một yếu tố quan trọng trong chăn nuôi, sự ô nhiễm đất, không khí và nguồn nước do các chất thải chăn nuôi đã làm ảnh hưởng đáng kể tới hệ sinh thái, sức khỏe vật nuôi và con người.

Môi trường bị ô nhiễm sẽ tác động trực tiếp vào ngành chăn nuôi làm gia tăng dịch bệnh, gây thiệt hại về kinh tế và giảm khả năng cạnh tranh.

Vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi là điều kiện tiên quyết, là biện pháp tất yếu giúp ngành chăn nuôi chủ động khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cộng đồng và phát triển chăn nuôi bền vững.

* Một số nhiệm vụ cần thực hiện trong công tác vệ sinh thú y:

- Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào gia trại chăn nuôi, khu chăn nuôi và chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hàng ngày.

- Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào gia trại chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và mặc quần áo bảo hộ của gia trại; trước khi vào các chuồng nuôi phải nhúng ủng hoặc giầy dép vào hố khử trùng.

- Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi bằng các dung dịch sát trùng (HanIodin, Bencosit...) thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng.

- Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày.

- Có biện pháp để kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác (nếu có) trong khu chăn nuôi. Khi sử dụng bẫy, bả phải có biển thông báo và ghi sơ đồ chi tiết vị trí đặt bẫy, bả và thường xuyên kiểm tra thu gom để xử lý.

- Áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra” theo thứ tự ưu tiên cả khu, từng dãy, từng chuồng, từng ô.

* Về xử phạt vi phạm hành chính

Điều 31, Nghị định 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ, trong đó quy định xử phạt vi phạm về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Tại Điều 6, Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ, trong đó về xử phạt vi phạm quy định chung về phòng chống dịch bệnh động vật "1. Phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y".

2. Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục (Điều 48 Luật bảo vệ và Kiểm dịch thực vật)

Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam, do đó tổ chức, cá nhân được buôn bán, sử dụng thuốc có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Đối với tổ chức cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các điều kiện sau đây (quy định tại Điều 63 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật):

- Có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định;

- Có kho thuốc đúng quy định, trang thiết bị phù hợp để bảo quản, xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi xảy ra sự cố;

- Chủ cơ sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật

* Quy định đối với kho thuốc bảo vệ thực vật

- Đối với cơ sở bán buôn, kho thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy him - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyn.

- Đối với cơ sở bán lẻ, kho thuốc bảo vệ thực vật phải xây dựng cách nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) ti thiu 20 m và có kệ kê hàng cao tối thiểu 10 cm so với mặt sàn, cách tường ti thiu 20 cm.

3. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong chăn nuôi

Cùng với tiêm phòng vaccin, công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc có vai trò quan trọng tiêu diệt tận gốc nguồn vi rút gây bệnh trong môi trường, chủ động phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh ở đàn vật nuôi.

* Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng tiêu độc

Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp.

Hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường; phải phù hợp với đối tượng khử trùng tiêu độc; có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh.

Trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa).

Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích.

* Các loại hóa chất sát trùng có thể sử dụng

Hóa chất sát trùng trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

Vôi bột, vôi tôi, nước vôi, xà phòng, nước tẩy rửa.

* Đối tượng vệ sinh, khử trùng tiêu độc

Cơ sở chăn nuôi động vật tập trung; hộ gia đình có chăn nuôi động vật.

Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm; cơ sở giết mổ động vật; cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật.

Chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống.

Địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, nơi cách ly kiểm dịch động vật.

Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật.

* Tần suất thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng

- Đối với cơ sở chăn nuôi động vật tập trung: Định kỳ vệ sinh khu vực chăn nuôi, định kỳ thực hiện tiêu độc khử trùng theo lịch của cơ sở và theo các đợt phát động của địa phương.

- Hộ gia đình có chăn nuôi động vật: Định kỳ vệ sinh khu vực chăn nuôi và thực hiện tiêu độc khử trùng theo các đợt phát động của địa phương.

- Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt ấp nở và theo các đợt phát động của địa phương.

- Cơ sở giết mổ động vật: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ động vật.

- Cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất.

- Địa điểm thu gom, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật sau mỗi phiên chợ. Nơi cách ly kiểm dịch động vật phải định kỳ thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng ít nhất 01 lần trong tuần trong thời gian nuôi cách ly động vật.

- Phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần vận chuyển.

- Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau khi hoàn thành việc xử lý, chôn lấp và theo các đợt phát động của địa phương./.

(Nội dung chi tiết đề nghị tham khảo tại Phụ lục số 8. Hướng dẫn chung về vệ sinh, khử trùng tiêu độc ban hành kèm theo thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

4. Xử phạt về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tươi sống sử dụng làm thực phẩm

Thực phẩm tươi sống là thực phẩm chưa qua chế biến bao gồm thịt, trứng, cá, thuỷ hải sản, rau, củ, quả tươi và các thực phẩm khác chưa qua chế biến.

Khi thực phẩm bị thay đổi màu sắc hoặc đã có mùi hôi và khó chịu là dấu hiệu thực phẩm bị ôi, thiu. Thực phẩm ôi, thiu là thực phẩm đã bị nhiễm các vi sinh vật như vi khuẩn, nấm mốc…nếu tiếp tục sử dụng dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy và các bệnh mãn tính khác.

Theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ, trong đó có ghi nếu cơ sở vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tươi sống sử dụng làm thực phẩm thì bị phạt như sau:

- Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị.

- Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ô nhiễm vi sinh vật; tồn dư chất, hóa chất vượt giới hạn theo quy định của pháp luật.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Khuyến cáo: Không mua, bán và sử dụng thực phẩm đã bị ôi, thiu để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm gây ra, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

5. Có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng nếu sử dụng sản phẩm động vật chết do bệnh, dịch bệnh để chế biến thực phẩm

Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm làm lây lan dịch bệnh động vật; tiêu hủy không đúng quy định hoặc không tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc diện phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật là hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi.

Theo quy định của điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thì việc sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng là hành vi bị nghiêm cấm.

Tại Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định, việc sử dụng sản phẩm động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có thể bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng mà sản phẩm có trị giá dưới 10.000.000 đồng; đối với trường hợp sản phẩm có trị giá trên 10 triệu đồng có thể bị phạt tiền ở mức 80 đến 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 90/2017/NĐ-CP cơ sở chăn nuôi có thể bị "Phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng" đối với trường hợp "Tiêu hủy không đúng quy định hoặc không tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc diện phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật"./.

 

Tải về tài liệu tuyên truyền tại link sau: Tài liệu tuyên truyền về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm

Sign In