Trong 2 ngày từ 08-09/7/2021, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ nông sản và tình hình hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành Hội. Để đảm bảo tín hiệu và chất lượng đường truyền, lần lượt mỗi buổi diễn ra Hội nghị trực tuyến sẽ có Hội Nông dân các tỉnh, thành phố thuộc 2 cụm thi đua kết nối dự họp.
Dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến chiều ngày 08/7/2021, tại điểm cầu chính ở Hà Nội có Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cùng đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị liên quan; Lãnh đạo và đại diện các Ban, Văn phòng, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tại điểm cầu Hội Nông dân 23 tỉnh, thành thuộc 2 cụm thi đua số 3 và 4 kết nối dự họp.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định chủ trì Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu chính ở Hà Nội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định đề nghị đại diện lãnh đạo Hội Nông dân 23 tỉnh, thành phố tập trung làm rõ những kết quả nổi bật, những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân trong việc tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân của các Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành Hội, cũng như hoạt động kết nối, hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ nông sản của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua, nhất là ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19; đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhắm khắc phục hạn chế, khó khăn trong tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Những thông tin này sẽ là tiền đề phục vụ cho việc tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ nông dân dự kiến được tổ chức vào tháng 8 năm nay.
Tại Hội nghị chiều ngày 08/7/2021, đồng chí Trương Xuân Quý - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội NDVN) báo cáo tóm tắt tình hình hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ nông sản và tình hình hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành Hội: Đến nay, thông qua 121 gian hàng do Hội Nông dân các tỉnh, thành quản lý và hơn 700 gian hàng do Hội Nông dân các tỉnh, thành tham gia hoạt động, các cấp Hội đã tổ chức kết nối và tiêu thụ thành công gần 100.000 tấn nông sản cho hội viên, nông dân. Báo cáo nêu rõ hiện có: 46/63 tỉnh, thành phố đã có Trung tâm Hỗ trợ nông dân; 12 Trung tâm nằm tại vị trí có lợi thế kinh doanh; 17 Trung tâm triển khai được tổng số 98 gian hàng giới thiệu nông sản; 45 Hội Nông dân tỉnh, thành phố tham gia kết nối tiêu thụ gần 100.000 tấn nông sản.
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã trình bày tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện và làm rõ những hoạt động nổi bật trong quá trình triển khai nhiệm vụ của Hội; nêu ra những khó khăn, vướng mắc; về tình hình an sinh xã hội, đời sống của hội viên, nông dân; việc triển khai hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ nông sản trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Công văn số 2777 (ngày 10/5/2021) của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN; tình hình hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ nông dân… Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và phương hướng nhằm giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ; thảo luận các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; công tác dạy nghề, giám sát vật tư nông nghiệp, xây dựng các mô hình tiêu biểu; một số đề xuất đối với quá trình triển khai nhiệm vụ mới và nêu biện pháp để thực hiện tốt các hoạt động trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, một số Hội Nông dân các tỉnh, thành phố còn chưa thực sự tích cực tham gia, thiếu phản hồi về thông tin kết nối tiêu thụ nông sản. Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thảo luận sôi nổi, tâm huyết và trách nhiệm; đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, khách quan. Nhiều đại biểu có cùng chung ý kiến đó là đề nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN sớm ban hành Nghị quyết, chương trình hoặc đề án về việc kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; giữa các vùng và liên vùng trong cả nước. Trong đó, trước mắt cần tập trung tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản ngay tại thị trường nội địa; từng bước xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết, sản xuất để tiến tới xuất khẩu nông sản theo các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế…

Đồng chí Trần Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Thường trực, chủ trì điểm cầu Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn
báo cáo tóm tắt hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân
Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bắc Kạn chiều ngày 08/7/2021 có các đồng chí Thường trực, Trưởng các Ban, Văn phòng, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, chuyên viên một số ban, đơn vị. Đồng chí Trần Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn chủ trì điểm cầu.
Trong thời gian qua Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố thống kê, tổng hợp các sản phẩm nông sản trên địa bàn cần hỗ trợ tiêu thụ trong điều kiện dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Trên cơ sở đó đề nghị Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kết nối, tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân trong tỉnh. Sản phẩm các loại cây trồng trong vụ xuân năm 2021 như rau, đậu đỗ được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong tỉnh, một số sản phẩm như Bí xanh thơm và các loại sản phẩm chế biến như miến dong, nghệ… đang tiếp tục được tiêu tại thị trường ngoài tỉnh.Thông qua việc kết nối với nhiều đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch, công ty, chuỗi siêu thị Vincommec, Bigc…và thông qua các nhà phân phối ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nướchiện toàn tỉnh đã có 02 Hợp tác xã ký hợp đồng tiêu thụ 40ha sản phẩm Bí xanh thơm, đó là HTX Nhung Luỹ (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) kết nối với Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương HNDVN) và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiêu thụ được 135 tấn bí xanh thơm; HTX Yến Dương (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) kết nối với Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và chuỗi cửa hàng hữu cơ, cửa hàng OCOP, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh tiêu thụ được trên 235 tấn bí xanh thơm với giá 6.000 - 8.000 đồng/kg. Sản phẩm Miến dong và các sản phẩm chế biến từ củ nghệ đang tiếp tục được tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh; tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tiêu thụ của các sản phẩm này giảm đáng kể so với các năm trước. Nguyên nhân, do việc vận chuyển sản phẩm đến các tỉnh, đặc biệt là địa bàn có dịch Covid-19 không thể thực hiện được; bên cạnh đó, người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm. Các sản phẩm khác hiện tại đã kết nối với các sở, ban ngành trong tỉnh tiêu thụ được 5 tấn dưa hấu cho hội viên, nông dân xã Quảng Khê, Đồng Phúc, Ba Bể với giá 6.000đồng/kg.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như việc vận chuyển nông sản đến các thành phố lớn và các tỉnh lân cận để tiêu thụ gặp khó khăn, gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ nông sản của hội viên, nông dân, vẫn còn ứ đọng sản lượng nông sản với diện tích khá lớn chưa được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm như bí xanh thơm cần được hỗ trợ tiêu thụ còn khoảng trên 3.000 tấn. Trong thời gian tới các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho hội viên, nông dân, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất gắn tiêu thụ theo chuỗi giá trị và áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Tiếp tục mời gọi, kết nối các doanh nghiệp ký kết hợp đồng, tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân; Phối hợp với các ngành hoàn thiện thủ tục cấp nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Bí xanh thơm Ba Bể, cấp mã số vùng trồng để phục vụ cho việc tìm kiếm các thị trường. Cùng với đó tiếp tục đề nghị Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn - Trung ương HNDVN hỗ trợ tiêu thụ lượng Bí xanh thơm hiện còn tồn đọng và các loại nông sản khác…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Nông dân các tỉnh, thành ở 2 cụm thi đua số 3 và 4 thời gian qua; nhất là việc nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động thiết thực để giúp tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân trong vùng có dịch. Đồng thời, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong việc triển khai các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ hội viên, nông dân của các Trung tâm.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, đề xuất của các đại biểu tham dự, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh: Thời gian tới, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân của các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai thực hiện tốt một số hoạt động trọng tâm. Theo đó, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp Hội; tổ chức đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, kiến thức hội nhập quốc tế, kinh tế thương mại cho cán bộ, hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo đầu bờ để chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức tốt các hoạt động đầu vào (vật tư, giống…); cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có chất lượng cao cho hội viên, nông dân. Đồng thời, các Trung tâm cũng cần làm tốt việc tổ chức các hoạt động dịch vụ đầu ra, xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản theo thời điểm mùa vụ và cả thường xuyên; tổ chức các cuộc tham quan, giao lưu để trao đổi kinh nghiệm, trải nghiệm văn hóa, nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các mô hình điểm tổ chức các hoạt động trải nghiệm vừa để tăng cường việc quảng bá, giới thiệu những sản phẩm nông sản đặc thù của các địa phương. Các Trung tâm cần chủ động phối hợp, tổ chức xây dựng các mô hình trang trại, mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ… để gia tăng tính kết nối giữa các hội viên, nông dân, tập trung đầu tư nguồn lực sản xuất theo chuỗi giúp nâng cao giá trị nông sản”.../.