Tết Thanh Minh (Hàn thực) mùng 3 tháng 3 Âm lịch của đồng bào Tày, Nùng Bắc Kạn
( Cập nhật lúc:
14/04/2021
)
Nhiều đồng bào các dân tộc ở vùng đồng bằng trung du khu vực Đông Bắc thường thực hiện nghi thức tảo mộ vào dịp Tết Nguyên đán hoặc đúng tiết Thanh Minh, nhưng đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở vùng núi phía Bắc lại chọn đúng ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch để đi tảo mộ. Đây là Tết lớn trong năm sau Tết Nguyên đán, ngoài ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, còn là dịp con cháu trong gia đình, dòng họ đoàn tụ sum vầy và là nét văn hóa truyền thống lâu đời đã được truyền qua nhiều thế hệ.
Với đồng bào Tày, Nùng vùng cao tỉnh Bắc Kạn nói riêng và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, ngày mùng 3/3 Âm lịch có lẽ là ngày quan trọng chỉ sau ngày Tết Nguyên đán, bởi đó là ngày con cháu quây quần, sum họp bên mộ phần những người đã khuất như một cách để tri ân, tưởng nhớ tổ tiên.
Xôi "đăm đeng", tiếng Tày có nghĩa là xôi đỏ đen là một trong những vật phẩm không thể thiếu
để dâng cúng tổ tiên vào dịp Tết Thanh Minh
Vào ngày Tết Thanh Minh (Hàn thực), ngay từ sáng sớm các gia đình đều làm các vật phẩm để dâng cúng tổ tiên và chuẩn bị các dụng cụ để đi tảo mộ cho người đã khuất. Mỗi gia đình, dòng họ đều tiến hành sửa sang mộ của những người đã khuất. Sau khi đã phát dọn lại mộ phần người thân sạch sẽ, các thành viên trong gia đình sẽ cùng bày mâm lễ đã chuẩn bị sẵn để dâng cúng người đã khuất. Lễ vật thường có đủ rượu, thịt, hoa quả, bánh kẹo, vàng hương và không thể thiếu được món xôi đỏ đen hoặc xôi ngũ sắc cùng các loại bánh dày, bánh dậm, bánh trứng kiến, bánh lá ngải... Sau đó thắp hương khấn vái, khi hết từ 1 - 2 tuần hương đốt vàng mã và đặt thêm bó hoa và trang trí lại những cây nêu treo dải băng bằng giấy màu được cắt tỉa cầu kỳ dâng cho vong hồn người quá vãng.
Các thế hệ trong gia đình kính cẩn, thắp hương tưởng nhớ người đã khuất.
Đây là dịp để giáo dục cho con cháu nhớ tới ông bà, tổ tiên, nhớ đến truyền thống gia đình
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng thì cũng được các gia đình thắp một vài nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Mọi người đi tảo mộ đều ăn vận chỉnh tề. Các ông già bà cả thì lo khấn vái nơi phần mộ. thanh niên nam nữ thì quét dọn, sửa sang, đắp mới cho các ngôi mộ. Cả trẻ em cũng theo cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết về những ngôi mộ của gia tiên, sau là bố mẹ muốn tập cho con cháu sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với đại gia đình. Thường người ta đi tảo mộ từ sáng sớm cho đến gần trưa. Con cháu ở khắp mọi miền về gặp gỡ nhau, cùng nhau đi chăm sóc phần mộ ông bà, tổ tiên cầu mong phù hộ con cháu có sức khỏe, đoàn kết, yêu thương nhau... Không chỉ có đồng bào Tày, Nùng mà nhiều gia đình các dân tộc khác sinh sống ở Bắc Kạn từ nhiều đời cũng chọn ngày mùng 3/3 Âm lịch để làm lễ tảo mộ.
Để chuẩn bị cho ngày mùng 3/3 Âm lịch, các gia đình từ thành phố đến nông thôn đều tổ chức gói bánh, đồ xôi... để mâm lễ dâng lên ông bà, tổ tiên được ý nghĩa hơn. Đây cũng là nét đẹp trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày, Nùng vùng cao Bắc Kạn vẫn được lưu truyền. Tục lệ tảo mộ trong tiết Thanh Minh vào đúng ngày mùng 3/3 Âm lịch của đồng bào Tày, Nùng sinh sống tại Bắc Kạn từ bao đời nay đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, cũng là cách răn dạy các thế hệ con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội và để những thành viên trong gia đình thêm gắn bó, thương yêu.../.