Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển hệ thống liên kết tiêu thụ nông sản địa phương

( Cập nhật lúc: 05/11/2018  )
Việc xây dựng các đầu mối liên kết tiêu thụ nông sản góp phần giúp Bắc Kạn tạo động lực thúc đẩy sản xuất, quảng bá thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.
 

 

Người dân mua sắm tại Trung tâm Phân phối nông sản thực phẩm an toàn (TP Bắc Kạn)

Điểm bán hàng và giới thiệu các sản phẩm nông sản OCOP Bắc Kạn có hàng trăm sản phẩm đặc trưng của 67 cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác như: Rau sạch, gà sạch, chuối sấy dẻo, bánh gio, chè, nấm, bí xanh, tinh bột nghệ, tinh dầu hồi, thảo dược... Anh Nguyễn Đình Tân - Chủ nhiệm gian hàng OCOP - BK cho biết: “Các sản phẩm có tại điểm bán hàng đều là những nông sản đăng ký, lựa chọn tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của các địa phương trong tỉnh. Mục tiêu nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu và đưa các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh đến với người tiêu dùng, đồng thời tăng cường sự liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn”.

Cũng tại thành phố Bắc Kạn, Trung tâm Phân phối nông sản thực phẩm an toàn vừa được khai trương. Đây là điểm phân phối, bán lẻ và đầu mối tìm kiếm các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của các đơn vị sản xuất và hợp tác xã. Theo đại diện Cơ sở sản xuất Huyền Hân (đơn vị đứng ra thành lập Trung tâm Phân phối nông sản thực phẩm an toàn), các sản phẩm nổi tiếng của Bắc Kạn như: Miến dong Nhất Thiện, gạo nếp Khẩu Nua lếch Ngân Sơn, bí xanh thơm Ba Bể... mặc dù được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, tuy nhiên nguồn tiêu thụ chưa ổn định, chưa rộng. Do vậy, Trung tâm được thành lập nhằm tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu, cung cấp sản phẩm nông sản Bắc Kạn an toàn, sạch đến với đông đảo người tiêu dùng, kết nối với thị trường rộng hơn. Từ đó, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trao đổi hàng hóa để cung ứng với các đối tác tiềm năng. Vừa qua, Trung tâm đã ký kết cung cấp sản phẩm nông sản cho một số công ty, chuỗi siêu thị lớn tại Hà Nội.

Thời gian gần đây, tại các địa phương trong tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều điểm bán hàng nông sản đặc sản. Việc hình thành và phát triển hệ thống tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp góp phần tháo gỡ nút thắt về liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân và các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Qua rà soát của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh hiện có 124 sản phẩm lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng này được sản xuất bởi 114 tổ chức, cá nhân, bao gồm: 25 hợp tác xã, 22 tổ hợp tác, 62 hộ sản xuất kinh doanh và một số doanh nghiệp. Nền nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thúc đẩy nông dân và các mô hình kinh tế tập thể đầu tư sản xuất những mặt hàng nông sản cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh như: Rau an toàn, gà sạch, cam, quýt, hồng không hạt, chè, gạo đặc sản, miến dong, thảo dược… Vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là thách thức lớn, bởi các mặt hàng nông sản của tỉnh chưa có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Việc xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang được các cấp, ngành cũng như các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh rất quan tâm và triển khai thực hiện trong thực tiễn sản xuất. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, để xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thì rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp, HTX đã tự nhận thấy được tiềm năng phát triển, sự bền vững của việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đầu tư, phát triển. Một số HTX đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua việc đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hoá, đưa ra thị trường được người tiêu dùng chấp nhận, giá bán sản phẩm được nâng cao, góp phần nâng cao thu nhập của xã viên. Dù vậy, thị trường lớn và các hợp đồng tiêu thụ bền vững vẫn là điều cần hướng đến đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.

Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu sức cạnh tranh trên thị trường của tỉnh xác định: Thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống tiêu thụ các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm (như gạo Bao thai, Khẩu nua lếch, cam quýt, hồng không hạt, miến dong, mơ vàng Bắc Kạn, chè an toàn, rau an toàn, thịt lợn sạch) tại địa phương và tiêu thụ ở các siêu thị lớn trong cả nước. Giải pháp đưa ra là tăng cường kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh để có thể điều tiết được các sản phẩm một cách năng động và có lợi nhất, đặc biệt là thị trường của các tỉnh, thành phố lớn. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, quản lý việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tiến hành đăng ký sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông, lâm sản. Đồng thời tăng cường đầu tư cho việc xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các hội chợ, tiếp thị các sản phẩm đến các trung tâm tỉnh, thành trong cả nước./.

Lê Trang
Nguồn: Báo Bắc Kạn điện tử
Sign In