Xây dựng thương hiệu sản phẩm cho mỗi địa phương
( Cập nhật lúc:
28/01/2019
)
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2020, phát triển sản xuất kinh doanh ít nhất từ 30 - 40 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh. Đây được xem là giải pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.

Cây ăn quả có múi được nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn lựa chọn để phát triển thành sản phẩm thương hiệu của địa phương
Xã Quang Thuận (Bạch Thông) những năm qua nổi tiếng với sản phẩm quýt. Mỗi mùa quýt người dân Quang Thuận xuất bán hàng trăm tấn quả vào thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Cao Xuân Lãng - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Với sự hỗ trợ của huyện, ngành chuyên môn, đặc biệt là ý thức bảo tồn của người dân, giống quýt của địa phương vẫn giữ nguyên được chất lượng với hương vị, thơm, chua dịu, ngọt mát… không trộn lẫn với bất cứ sản phẩm quýt của vùng khác. Hiện nay, vùng sản xuất quýt đặc sản theo hướng hàng hóa đã hình thành, giúp người dân Quang Thuận tăng thu nhập, làm giàu từ lợi thế của địa phương.
Sau một thời gian lựa chọn cây rau bò khai để phát triển thành sản phẩm hàng hóa đã khẳng định chủ trương đúng đắn của chính quyền xã Cao Trĩ nói riêng và huyện Ba Bể nói chung. “Cây rau bò khai đã và đang được thị trường rất ưa chuộng, gần như thu hoạch đến đâu là bán hết đến đấy. Suốt từ tháng 2 đến tháng 9 hàng năm, với diện tích trồng được trên 2000m2, gia đình tôi gần như không phải đem bó rau nào ra chợ bán, mà tư thương vào tận nhà thu mua hết, giá bán ngọn rau bồ khai giao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg” - Bà Lộc Thị Nga - người dân thôn Ban Ngù, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể cho biết.
Rau bò khai không chỉ là một món ăn, có hương vị đặc trưng mà còn dùng để làm thuốc. Theo y học, lá cây bò khai thường được dùng chữa các bệnh viêm thận, gan, viêm đường tiết niệu… với những đặc điểm đó rau bò khai được nhiều người lựa chọn làm thức ăn hàng ngày. Là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và mọc chồi quanh năm, chu kỳ thu hoạch nhanh và thời gian thu hoạch liên tục hơn 08 tháng trong năm. Thấy được hiệu quả từ việc trồng rau bò khai của người dân, xã Cao Trĩ đã phối hợp với các ngành chức năng tìm hướng đưa sản phẩm rau an toàn về thị trường miền xuôi, mở ra một hướng đi triển vọng trong phát triển kinh tế tại địa phương. Hiện rau bò khai đang được 02 xã Cao Trĩ, Mỹ Phương (Ba Bể) tập trung phát triển thành cây hàng hóa với diện tích trên 10ha…
Những ví dụ kể trên là cách mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020. Với mục tiêu chung là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn Bắc Kạn theo hướng bền vững… đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã bắt đầu biết khai thác tiềm năng, lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn dần được tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa (Ảnh: Các sản phẩm OCOP của huyện Chợ Đồn)
Đến hết năm 2018, tỉnh Bắc Kạn có 76 sản phẩm tham gia đăng ký thực hiện OCOP - BK, kết quả có 32 sản phẩm được Hội đồng bình chọn cấp tỉnh đánh giá đạt 3 sao; 5 sản phẩm đạt 4 sao. Nhiều sản phẩm tham gia Chương trình đã thể hiện rõ sự đầu tư về chất lượng và mẫu mã, tiêu biểu như: Vi-cumax Nano curcumin của Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà; Trịnh Năng Gừng, Trịnh Năng Curcumin của Công ty TNHH Nhiệt Công nghiệp HTL; Tinh nghệ Bắc Kạn thuộc Công ty cổ phần nông sản Bắc Kạn; Miến dong của HTX Tài Hoan, huyện Na Rỳ…
Việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” ở Bắc Kạn không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây đang là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương./.