Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, không khí thi đua lao động sản xuất vụ xuân trên khắp các địa phương trong tỉnh Bắc Kạn diễn ra sôi nổi. Tại các cánh đồng, bà con nông dân đang khẩn trương làm đất, gieo mạ đảm bảo khung lịch thời vụ. Khí thế lao động hối hả, vui tươi hứa hẹn một mùa vụ thắng lợi.
Tại huyện Chợ Mới:
Ngay từ ngày mùng 5 Tết, nhiều nông dân ở huyện Chợ Mới đã xuống đồng làm đất, gieo mạ, nạo vét, sửa chữa kênh mương bảo đảm lấy nước cho đồng ruộng. Trước Tết, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền cơ sở vận động bà con chủ động làm đất, khuyến cáo nông dân thực hiện đúng cơ cấu giống, chủ động ứng phó với thay đổi về thời tiết và bảo đảm khung thời vụ tốt nhất.

Người dân xã Nông Hạ tiến hành làm đất sau khi thu hoạch xong khoai lang
Tại cánh đồng thôn Bản Còn, xã Thanh Thịnh bà con đang tất bật làm đất, gieo mạ. Tranh thủ phút giải lao ông Nguyễn Văn Mai, thôn Bản Còn, xã Thanh Thịnh chia sẻ: “Vụ xuân này gia đình tôi cấy hơn 2.000m2 lúa Khang dân. Hiện gia đình đã làm đất xong, nửa tháng nữa sẽ cấy lúa”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Mai ở thôn Bản Còn, xã Thanh Thịnh đang tiến hành gieo mạ
Ngay sau Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết có mưa, bà con nông dân thị trấn Đồng Tâm đã xuống đồng. Anh Ma Văn Trúc tại tổ 9, thị trấn Đồng Tâm cho biết: Cũng như mọi năm vào cuối tháng 01, đầu tháng 02, gia đình tôi trồng ngô xuân. Năm nay, trồng hơn 6.000m2.
Đồng chí Tô Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Tâm cho biết: Vụ xuân 2022, địa phương có kế hoạch gieo cấy 26ha lúa; gần 130ha ngô. Đến thời điểm này, người dân đã hoàn thành việc cày ải, làm đất. Địa phương cơ bản trồng xong ngô ruộng, soi bãi, gieo mạ cho vụ xuân. Đối với cây lúa, tập trung vào một số giống như: Khang dân 18, Việt lai 20, Hà phát 3, Nhị ưu 838, Đại dương 1, Sán ưu 63… Đối với cây ngô, người dân gieo trồng các loại giống ngô lai có năng suất cao, như: NK4300, CP511, AG59, HN68, HN88, PCA339… phấn đấu kết thúc gieo cấy lúa trước ngày 15/3. Cây ngô và các cây màu khác trồng trong tháng 02 và hoàn thành trong tháng 3.
Còn tại cánh đồng thôn Nà Bản, xã Nông Hạ người dân đang khẩn trương thu hoạch khoai lang, để giải phóng đất cho vụ xuân. Hiện toàn xã làm đất được 20/88ha, gieo mạ được 1/8ha.
Vụ Xuân 2022, huyện Chợ Mới có kế hoạch gieo trồng 2.110ha lúa, ngô; 138ha khoai tây, khoai lang, khoai môn; 193ha cây công nghiệp ngắn ngày; 231ha rau, đậu. Trong đó ưu tiên phát triển các giống lúa chất lượng và các giống ngô năng suất cao phù hợp với điều kiện sinh thái và trình độ canh tác của địa phương. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện, đặc biệt là sự chủ động của bà con nông dân, đến nay, toàn huyện đã tiến hành gieo mạ được trên 50% diện tích…
Tại huyện Chợ Đồn:
Ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân huyện Chợ Đồn đã bắt tay vào sản xuất vụ xuân. Đến nay các khâu làm đất, khơi thông kênh mương đưa nước vào ruộng, làm mạ đều được chủ động thực hiện, đảm bảo tiến độ đề ra.

Nông dân xã Đồng Thắng xuống mạ cho kịp thời vụ
Mặc dù thời tiết những ngày qua rét đậm nhưng có thể nhận thấy tinh thần xuống đồng của nông dân huyện Chợ Đồn rất khẩn trương, nhộn nhịp, khắp các cánh đồng lớn ở các xã Đồng Thắng, Phương Viên, Ngọc Phái… đã được cày bừa, một số thửa bà con đã cho nước vào ruộng, cùng với đó là khâu xuống mạ cũng được đẩy mạnh thực hiện. Chị Triệu Thị Thiềm ở thôn Nà Cọ (xã Đồng Thắng) cho biết: “Gia đình tôi đã làm xong đất từ trước Tết, mùng 8 tháng Giêng âm lịch là tranh thủ xuống mạ giống. Nếu thời tiết mấy ngày tới nắng ấm thì sau 20 âm lịch là cấy được”. Vụ này chị Thiềm chủ yếu cấy giống Tạp giao 1, đây là giống mà chị sử dụng từ nhiều năm nay bởi chất lượng gạo thơm ngon, thích hợp với điều kiện canh tác của vùng.

Bà con mua giống, vật tư tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp huyện Chợ Đồn
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT đến ngày 08/02, toàn huyện đã làm đất được khoảng 92% diện tích, xuống mạ giống được 100%, gieo trồng ngô được 48ha. Công tác cung ứng giống cũng được Cửa hàng vật tư nông nghiệp huyện chuẩn bị đầy đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu theo chỉ đạo. Hiện tại cửa hàng đã cung ứng được hơn 10 tấn lúa các loại như: Tạp giao 1, Nhị ưu 838, J02, Khang dân, Hà phát 3; ngô được trên 1 tấn với cơ cấu chủ yếu là: CP511, CP111, NK4300… dự kiến hết vụ sẽ cung ứng gần 10 tấn ngô giống; phân bón dự kiến sẽ cung ứng lên trên 300 tấn.
Đồng chí Lục Đình Hoa - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngành chức năng đã khẩn trương xuống các xã tiến hành kiểm tra, thắm nắm tình hình sản xuất, đồng thời đôn đốc, nhắc nhở bà con áp dụng đồng bộ kỹ thuật vào khâu sản xuất. Chủ động các biện pháp tưới tiêu, đưa ra dự báo, phòng trừ sâu bệnh, với tiến độ khẩn trương, huyện sẽ phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 15/3 đối với lúa, trước ngày 30/4 đối với ngô”.
Vụ xuân năm 2022, huyện Chợ Đồn có kế hoạch gieo cấy trên 1.770ha lúa, ngô 990ha, trong đó 20ha giống lúa chất lượng cao J02. Phấn đấu hết vụ năng suất lúa đạt 60 tạ/ha, ngô là 48 tạ/ha. Để thực hiện đạt kết quả đặt ra, huyện Chợ Đồn đã chỉ đạo các xã cần tập trung sớm khâu làm đất, hoàn thành xuống mạ xong trước trung tuần tháng 2. Huyện yêu cầu các địa phương phải lựa chọn bộ giống phù hợp với từng điều kiện canh tác mỗi vùng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, cho năng suất cao, dễ chăm sóc, thu hoạch. Không bố trí nhiều loại giống trên một cánh đồng, tích cực ứng dụng cơ giới hóa vào trong khâu sản xuất để nâng cao hiệu quả canh tác cũng như năng suất cây trồng.
Tại huyện Ba Bể:
Những ngày đầu năm mới 2022, trên khắp các cánh đồng của huyện Ba Bể, bà con nông dân tích cực xuống đồng, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ xuân theo đúng lịch thời vụ.
Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay huyện Ba Bể gieo cấy 1.720ha lúa; 1.150ha cây ngô; 10ha khoai tây; 50ha khoai lang; 15ha khoai tây; 300ha cây rau đậu các loại, trong đó có 150ha cây bí xanh thơm… Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân các địa phương đã xuống đồng cày ải đất, khơi thông kênh mương dẫn nước vào ruộng, gieo mạ chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Nông dân xã Yến Dương trồng cây bí xanh vụ xuân 2022
Để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho vụ xuân, huyện Ba Bể đã chỉ đạo các xã thực hiện cơ cấu giống lúa phù hợp theo từng vùng sản xuất, ưu tiên sử dụng các giống có năng suất, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân gieo trồng đảm bảo theo khung thời vụ, thực hiện các biện pháp kỹ thuật từ khâu gieo trồng đến chăm sóc. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và vật tư nông nghiệp.

Nông dân huyện Ba Bể tập trung cày bùa đất chuẩn bị cho gieo cấy lúa xuân
Tại cánh đồng thôn Khuổi Luồng, xã Yến Dương, bà con nông dân đang bắt tay vào cày lật đất, đắp be bờ dẫn nước vào ruộng, trồng và chăm sóc cây bí xanh. Bà Nông Thị Hoa, thôn Khuổi Luồng cho biết: Vụ xuân này gia đình gieo cấy 1.500m2 lúa, chủ yếu là giống Bắc Hương. Để đảm bảo cấy đúng khung thời vụ, ngày mùng 6 tháng Giêng gia đình đã khẩn trương ra đồng lao động sản xuất, cày bừa đất, khơi thông kênh mương để dẫn nước vào ruộng.
Còn tại cánh đồng thôn Loỏng Lứng, bà con nông dân cũng đang tranh thủ xuống đồng sau Tết để gieo trồng cây bí xanh. Đây là năm đầu tiên nhiều hộ trong thôn triển khai trồng cây bí xanh, vì vậy công tác chuẩn bị cây giống, vật tư, cày bừa đất được bà con chuẩn bị khá sớm, đảm bảo gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất. Để kịp thời vụ, gia đình bà Hoàng Thị Uyên, thôn Loỏng Lứng cũng ra đồng từ ngày mùng 5 Tết để làm đất chuẩn bị trồng cây bí xanh. Vụ xuân này gia đình bà trồng 2.000m2 bí xanh. Do là vụ đầu tiên triển khai trồng nên gia đình rất chú trọng khâu làm đất và chuẩn bị cây giống đảm bảo chất lượng.
Đồng chí Hà Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: Hiện nay chính quyền địa phương đã và đang tập trung chỉ đạo, phân công cán bộ trực tiếp xuống các thôn để đôn đốc bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo mạ để gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Đồng thời bám sát đồng ruộng để theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng vụ đông.
Tại huyện Ngân Sơn:
Trên cánh đồng của thôn Tân Ý 1, xã Vân Tùng không khí lao động hối hả, người cày bừa, người chăm sóc cây nguyên liệu thuốc lá. Ông Hà Văn Cóng, một người dân trong thôn cho biết: Vụ trồng cây nguyên liệu thuốc lá năm 2021, gia đình thu về gần 1 tấn, với giá bán 45.000 đồng/kg cũng có nguồn thu nhập khá. Do được ký bao tiêu sản phẩm và công ty hỗ trợ phân bón trả chậm nên vụ trồng nguyên liệu thuốc lá năm nay, gia đình thuê thêm đất để trồng tổng 5.000m2. Hiện đang tập trung chăm sóc.

Người dân xã Hiệp Lực đang khẩn trương trồng ngô xuân cho kịp khung thời vụ
Tại xã Hiệp Lực người dân cũng đang khẩn trương trồng ngô, lạc, cày bừa chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Gia đình ông Hoàng Văn Tú, thôn Bó Lếch tranh thủ đất ẩm để trồng ngô. Ông cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi trồng 2kg giống ngô lai để phục vụ chăn nuôi, 1kg lạc giống. Tôi trồng trên đất ruộng. Đối với lúa xuân cấy 1.000m2, thời tiết ấm lên thì sẽ bắt đầu gieo mạ, đảm bảo theo khung thời vụ. Hiện, các công đoạn làm đất đều sử dụng cơ giới hóa nên thuận tiện, tiết kiệm sức lao động, thời gian.

Người dân thôn Tân Ý 1 chăm sóc cây nguyên liệu thuốc lá
Vụ xuân năm 2022, huyện Ngân Sơn có kế hoạch trồng hơn 700ha diện tích cây nguyên liệu thuốc lá, hiện bà con đã trồng được khoảng 80% và đang tiếp tục thực hiện. Diện tích cây ngô đăng ký 810ha, đã trồng được hơn 140ha; diện tích lúa xuân người dân đang làm đất, ngâm hạt giống chuẩn bị gieo mạ. Rau màu đã trồng được 110/90ha đạt 122% kế hoạch giao.
Đồng chí Phạm Kim Hiểu- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngay từ đầu vụ sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, vận động bà con thu hoạch cây trồng vụ đông, làm đất, gieo mạ chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ xuân. Cùng với đó, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương có phương án, kế hoạch tích nước, dự trữ nước và điều tiết phù hợp để đảm bảo sản xuất vụ xuân; thường xuyên kiểm tra, tu sửa công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Đồng thời, tìm những giải pháp thiết thực nhằm đối phó với thời tiết và sâu bệnh hại có thể xuất hiện trên các loại cây trồng vụ xuân. Ngoài ra, Tổ công tác phòng chống đói, rét, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi của huyện đã xuống địa bàn các xã, thị trấn kiểm tra công tác phòng chống đói, rét trong mùa đông để hạn chế sự thiệt hại.
Tại TP. Bắc Kạn:
Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, những ngày sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, gia đình ông Nông Đạt Huy đã tiến hành cày bừa hơn 1.000m2 ruộng để cấy lúa. Ông Huy cho biết, vụ xuân năm nay, gia đình cấy chủ yếu giống lúa 108. Năm 2021 thời tiết thất thường gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Nên ngay sau kỳ nghỉ Tết, ông cũng như nhiều nông hộ khác xuống đồng sớm với mong muốn năm nay thời tiết mưa thuận gió hoà để mùa màng được tốt tươi, cây trồng đạt năng suất cao.

Người dân xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn đang khẩn trương làm đất, chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ xuân
Xác định đây là vụ sản xuất quan trọng, nên ngay từ sau Tết, ngành chuyên môn cùng các cấp chính quyền thành phố Bắc Kạn đã tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền đến người dân thực hiện nghiêm các quy định, điều kiện trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó đặc biệt chú trọng cơ cấu giống và tuân thủ khung lịch thời vụ.
Vụ xuân năm nay, thành phố Bắc Kạn có kế hoạch gieo trồng gần 400ha cây lương thực có hạt, hơn 100ha rau, đậu các loại. Trong đó ưu tiên các giống lúa cho chất lượng và năng suất cao, phù hợp với điều kiện sinh thái và trình độ canh tác của người dân địa phương.
Đến nay, cây rau các loại toàn thành phố trồng được khoảng 40ha; gieo mạ được 275ha, đạt 98%; làm đất được khoảng 210ha, bằng 75% diện tích đất cấy lúa; làm đất trồng ngô khoảng 5% diện tích. Nguồn vật tư nông nghiệp và công tác thủy lợi đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2022./.