Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng, thời gian qua, các mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang ngày càng được nhân rộng. Qua đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Thay đổi từ nhận thức
Từ năm 2019, Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn II (do Trung ương Hội Nông dân triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn) đã đẩy mạnh các hoạt động như tuyên truyền, tập huấn, tổ chức các hội thảo về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tại đây, những nguyên tắc, quy trình sản xuất hữu cơ, những giá trị lợi ích về kinh tế, môi trường, sức khỏe của người nông dân và người tiêu dùng... được đưa ra trao đổi, thảo luận. Từ đó định hướng, hướng dẫn trực tiếp cho nông dân bắt tay triển khai các mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ.
Đầu năm 2021, tổ hợp tác trồng và sản xuất dong riềng hữu cơ tại xã Côn Minh (Na Rì) được thành lập với 19 hộ thành viên tham gia. Thay vì tiếp tục sử dụng các phương pháp canh tác cũ, bà con đã áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ. Anh Hoàng Quốc Huy - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện nay, quy trình canh tác hữu cơ được các thành viên trong tổ nắm rõ, từ đó tích cực thay đổi cách làm nhằm đáp ứng điều kiện, nguyên tắc của sản xuất hữu cơ. Với 5ha diện tích đã chuyển đổi ở hai thôn Lũng Vai và Bản Cào, bà con chú trọng đảm bảo các yếu tố như: không sử dụng nước tưới tự do ở sông, suối nhằm tránh ô nhiễm đất; loại bỏ hoàn toàn phân bón hóa học; hình thành thói quen ủ phân vi sinh để chăm sóc cây trồng...
Trực tiếp tham gia thực hiện, anh Lâm Văn Vinh - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Diện tích dong riềng hữu cơ đang thực hiện chủ yếu nằm ở những khu vực biệt lập, rất thuận lợi cho việc canh tác đúng quy trình. Qua đánh giá ban đầu, hiện cây dong riềng của tổ phát triển tốt tương đương với diện tích dong riềng khác của bà con địa phương. Loại bỏ được tâm lý e ngại về năng suất cây trồng của các thành viên. Bên cạnh đó còn giảm được một số chi phí khác như: thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học... Bà con cũng đã dần hình thành thói quen ghi chép sổ sách để theo dõi, chăm sóc cây trồng theo giai đoạn.
Trước đó, trong năm 2020, nhiều mô hình sản xuất hữu cơ được một số địa phương trong tỉnh thực hiện thí điểm và đem lại hiệu quả như: Lúa hữu cơ Japonica, lúa Bao thai của Hợp tác xã Hoàn Thành (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn); Trồng gừng hữu cơ của Tổ hợp tác Tổng Chiêu (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn); trồng Bí xanh thơm hữu cơ, gạo Nếp tài hữu cơ, dong riềng đỏ hữu cơ, mướp đắng rừng hữu cơ của Hợp tác xã Yến Dương (xã Yến Dương, huyện Ba Bể).
Lợi thế trong việc sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh ta hiện nay là ở một số nơi, bà con vẫn giữ được phương pháp canh tác truyền thống, không sử dụng các loại phân bón, hóa chất độc hại nên nguồn đất, nước chưa bị ô nhiễm. Khi thí điểm thực hiện mô hình đã có thể đảm bảo những yêu cầu đặt ra. Sản xuất hữu cơ là kết hợp phương pháp canh tác truyền thống với những tiến bộ hoa học kỹ thuật, do vậy, khi được hướng dẫn cụ thể, bà con có thể thực hiện đúng, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy định.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản hữu cơ
Theo các đơn vị sản xuất, hiện các sản phẩm được sản xuất theo quy trình hữu cơ đã được một số cửa hàng tiêu thụ nông sản ưu tiên đặt hàng. Chị Ma Thị Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương cho biết: Cuối năm 2019, HTX đã đi thăm nắm thị trường để nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm hữu cơ. Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng thực phẩm sạch rất ưu tiên những sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu được sản xuất theo quy trình hữu cơ thì sẽ mua với giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại khác. Đây chính là điều kiện thuận lợi để khuyến khích bà con thực hiện. Năm 2020, HTX tiến hành chuyển đổi 2ha đất trồng Bí hữu cơ; 3ha lúa Nếp tài hữu cơ. Năm 2021, diện tích Bí hữu cơ được mở rộng lên 5ha, ngay từ đầu vụ thu hoạch, Bí đã được các cửa hàng đặt mua sớm. Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, các thành viên HTX đăng ký chuyển đổi 100% diện tích trồng lúa Nếp tài canh tác theo quy trình hữu cơ với tổng diện tích lên đến hơn 13ha. Bên cạnh đó, HTX cũng đang thực hiện 10ha dong riềng đỏ hữu cơ trong tổng số 15ha của toàn xã.
Bà Nông Thị Uyến - Chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: Địa phương hiện đang khuyến khích, hỗ trợ HTX Yến Dương thiết kế bao bì riêng cho những sản phẩm đã được trồng theo quy trình hữu cơ. Chú trọng việc đăng ký tem truy xuất nguồn gốc để minh chứng chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. Ngoài ra, xã cũng phân bổ, đưa các chương trình, dự án về thực hiện tại HTX Yến Dương, nhằm duy trì thói quen canh tác hữu cơ của các thành viên. Đồng thời tích cực tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của HTX với thị trường.
Xác định sản xuất hữu cơ là hướng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, cuối năm 2020, Ban điều phối Hệ thống đảm bảo có sự tham gia trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Bắc Kạn được thành lập (gọi tắt là Ban điều phối PGS Bắc Kạn). Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là: phối hợp với các cơ quan chức năng, các sở ngành, các viện, trường Đại học, các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức cá nhân có chuyên môn liên quan để áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Bắc Kạn. Ban hành giấy chứng nhận PGS cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa trên thị trường, đem lại giá trị lợi ích kinh tế cao hơn cho người nông dân.

Mô hình trồng dong riềng đỏ hữu cơ được thực hiện tại HTX Yến Dương (Ba Bể)
Là đơn vị trực tiếp triển khai các mô hình cach tác hữu cơ, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các Tổ hợp tác, HTX đưa nông sản vươn xa, giúp nâng tầm giá trị của cây trồng. Theo đó, Hội đã tổ chức thành công nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại Hà Nội. Chủ động kết nối với các cửa hàng ở một số tỉnh thành, trở thành cầu nối giúp HTX đưa sản phẩm đi tiêu thụ. Hiện có 2 loại cây trồng bước đầu đã có đầu ra ổn định là Gạo Nếp tài được Công ty Tâm An Lạc (Hà Nội) và dong riềng hữu cơ đã được Cơ sở sản xuất miến Tài Hoan (Côn Minh, Na Rì) ký kết bao tiêu.
Đồng chí Lưu Văn Quảng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban điều phối PGS Bắc Kạn cho biết: Thuận lợi ban đầu trong việc thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ là áp dụng thí điểm với những cây trồng bản địa. Những loại cây trồng này đã hình thành vùng sản xuất nên việc chuyển giao kỹ thuật rất thuận lợi, bà con tuân thủ chặt chẽ. Sau 1 năm thực hiện, hầu hết các loại sản phẩm nông nghiệp được canh tác theo quy trình hữu cơ đã đạt yêu cầu. Năm 2021, Ban Điều phối sẽ phối hợp với các chuyên gia tiến hành thanh tra, thẩm định chất lượng các sản phẩm và tiến hành cấp chứng nhận hữu cơ. Từ đó, các đơn vị sản xuất có thể sử dụng chứng nhận hữu cơ để quảng bá sản phẩm dưới nhiều hình thức. Đối với cây dong riềng, những cơ sở sản xuất miến bao tiêu loại cây trồng này cũng có thể sử dụng chứng nhận hữu cơ để in trên bao bì sản phẩm miến dong của mình.
Các cấp Hội luôn đồng hành, hỗ trợ thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để sản xuất bền vững, hiệu quả, nâng cao năng lực, đẩy mạnh sản xuất hữu cơ. Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, các cuộc hội thảo để nông dân có cơ hội trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm với nhau, với các chuyên gia để cùng giải đáp, bổ sung kiến thức sản xuất hữu cơ. Qua đó từng bước mở rộng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch, góp phần phát triển bền vững hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh./.