Khơi dậy tiềm năng cây nghệ
( Cập nhật lúc:
28/12/2017
)
Nghệ là giống cây dễ trồng, phổ biến ở Bắc Kạn trong nhiều năm qua nhưng diện tích chỉ nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu gia đình là chủ yếu. Những năm gần đây, với việc thành công trong chiết xuất nano cucurmin và chế biến tinh bột từ củ nghệ thì tiềm năng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của loại cây trồng này đã được khơi dậy với nhiều hứa hẹn.
Nghệ là cây dễ trồng, không kén đất. Giống nghệ vàng của Bắc Kạn rất phù hợp với khí hậu, đất đai có thể cho năng suất hơn 4 tấn/ha. Nhưng cũng vì dễ trồng nên bà con ít chăm sóc, năng suất thấp đồng thời giá trị kinh tế từ củ nghệ mang lại cũng không cao. Cây nghệ dù tiềm năng nhưng không được coi là cây hàng hóa có giá trị.
Nhà sáng chế Trịnh Đình Năng - Công ty Hỏa Tự Long - HTL là một trong những người đầu tiên có công đưa giá trị cây nghệ lên một tầm cao mới. Không bằng cấp, nhưng với niềm say mê và tìm tòi ông Năng đã sáng chế ra dây chuyền chiết xuất nano curcumin từ củ nghệ. Hiện nay, trên thế giới đã có một số nước chiết xuất thành công Curcumin từ củ nghệ vàng. Tại Việt Nam cũng có đơn vị chiết xuất thành công nhưng nhược điểm của các phương pháp đó là cho ra Curcumin Nano hàm lượng thấp.
Khắc phục những hạn chế trên, Công ty HTL đã nghiên cứu quy trình sản xuất và chế tạo thành công dây chuyền sản xuất đồng bộ cho ra sản phẩm Curcumin đạt chất lượng rất cao (đã được kiểm chứng tại Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đạt từ 95-98%). Giá trị kinh tế từ cây nghệ được nâng lên rất cao khi từ một tấn nghệ tươi được thu mua với giá 15 - 20 triệu đồng, có thể sản xuất được lượng nano curcumin với tổng trị giá 640 triệu đồng. Với thị trường quy mô khắp thế giới thì nhu cầu nguyên liệu nghệ củ để chế biến sẽ rất dồi dào, là cơ hội cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Mô hình liên kết nhà nông với Công ty CP Nông sản Bắc Kạn tại huyện Pác Nặm cho hiệu quả cao
(Ảnh: Kiểm tra kết quả mô hình tại xã Cổ Linh)
Tháng 9/2016, thông qua Hội Nông dân tỉnh, Công ty Cổ phần nông sản Bắc Kạn ký cam kết hỗ trợ đầu tư cho nông dân các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì và Chợ Mới trồng trên 50ha nghệ. Theo đó, Công ty hỗ trợ về giống, phân bón, phối hợp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nghệ; hỗ trợ kinh phí tham gia công tác tuyên truyền đến người dân. Vận chuyển và thu mua tại trung tâm các xã có vùng nguyên liệu. Đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ củ nghệ tại các điểm thuận lợi cho vận chuyển ô tô với mức giá thấp tối thiểu là 5.000 đồng/kg, giá tối đa theo giá thị trường.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, đầu tư trồng 1ha nghệ cần hơn 31 triệu đồng chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, củ giống. Năng suất ước đạt 25 tấn/ha, với giá bán 5.000 đồng/kg, người trồng sẽ thu về 125 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư, người trồng lãi hơn 93 triệu đồng/ha. Đây là mức thu cao nếu so với cây ngô được hơn 14 triệu đồng/ha và cây dong riềng được hơn 77 triệu đồng/ha.
Tiềm năng từ cây nghệ đã và đang được khẳng định ở một số địa phương. Đơn cử như riêng huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có gần 20 cơ sở chế biến các sản phẩm từ nghệ. Không chỉ có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước, các sản phẩm như tinh bột nghệ, bột nghệ... của người nông dân Khoái Châu đã bước đầu được xuất sang một số thị trường các nước như: Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…
Đối với Bắc Kạn, sản phẩm tinh bột nghệ của Công ty CP Nông sản Bắc Kạn cũng đã tạo được tiếng vang khi được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Trong năm 2018, Công ty tiếp tục sản xuất nghệ theo hướng hữu cơ với dự kiến mở rộng diện tích tại nhiều địa phương. Trong đó, huyện Pác Nặm là 50ha; Bạch Thông 50ha; Ba Bể 20ha và Na Rì 10ha. Còn Công ty HTL hiện cũng đang đầu tư mở rộng xưởng chế biến, nỗ lực tìm đầu ra để xuất khẩu sản phẩm nên thời gian tới cũng sẽ tiêu thụ lớn lượng nghệ củ.
Để phát huy tốt tiềm năng của cây nghệ, hiện tỉnh cần có quy hoạch vùng trồng; xây dựng quy trình canh tác cụ thể đồng thời lựa chọn giống, hướng dẫn kỹ thuật kịp thời. Chỉ đạo ngành chuyên môn nghiên cứu việc chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng nghệ. Tránh tình trạng trồng ồ ạt, tràn lan dẫn tới hạn chế khâu tiêu thụ như bài học đã xảy ra đối với cây dong riềng./.