Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cây nghệ ở Pác Nặm đạt năng suất cao

( Cập nhật lúc: 04/04/2018  )
Sau một năm trồng, đến nay cây nghệ vàng trồng ở Pác Nặm đã cho thu hoạch với năng suất cao, giá trị kinh tế lớn hơn hẳn so với các cây trồng ngắn ngày khác. Đây là cơ sở để người dân mở rộng diện tích, yên tâm sản xuất.


Trao đổi về hiệu quả kinh tế của cây nghệ, anh Nông Văn Thành - người dân thôn Bản Cảm, xã Cổ Linh cho biết: Là hội viên nông dân xã Cổ Linh, đầu năm 2017 gia đình anh đã đăng ký với Tổ hợp tác trồng 2.500m2 cây nghệ vàng. Do phía Công ty Nông sản Bắc Kạn cung ứng thiếu giống nên gia đình chỉ trồng được hơn 1.500m2. Qua một năm chăm sóc, đến nay một phần diện tích nghệ này đã thu hoạch được hơn 2 tấn củ. Với giá Công ty Nông sản Bắc Kạn mua tại thôn là 7.000 đồng/kg, gia đình có thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Số lượng củ còn lại gia đình để dành làm giống để trồng trong tháng 4 này.

 

Người dân xã Cổ Linh tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch nghệ để chuẩn bị trồng vụ mới

Trao đổi về cây nghệ, ông Lý Hồng Thái- Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Linh cho biết: Năm 2017 là năm đầu tiên Cổ Linh thực hiện trồng cây nghệ vàng. Xã đã thành lập Tổ hợp tác để thực hiện với 26 hộ dân tham gia, trồng được hơn 4,4ha. Qua thu hoạch cho thấy, nếu trồng ở đất ruộng thì 1.000m2 bình quân thu được 2,5 tấn củ nghệ. Nếu trồng ở đất vườn đồi thì thu được từ 1,8 đến 2 tấn/1.000m2. Với giá Công ty thu mua hiện là 7.000 đồng/kg, nếu trồng trên đất ruộng thì 1ha nghệ cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. 

Trong khi đó, việc chăm sóc cây nghệ dễ hơn so với những cây trồng khác như lúa, ngô, dong riềng, chỉ bón lót hoặc bón thúc phân chuồng, phân xanh cho đến khi cây lớn đều thì làm cỏ. Loại cây này trong năm qua trồng chưa thấy có loại sâu bệnh hại nào. Bởi dễ trồng và có hiệu quả kinh tế nên niên vụ năm 2018, riêng Tổ hợp tác trồng nghệ ở thôn Bản Cảm, các thành viên đã đăng ký trồng được gần 6ha. Hiện nay nguồn giống đã được các hộ chủ để dành nên năm nay chắc chắn không còn tình trạng thiếu giống như năm trước. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Cổ Linh, xã cũng cân nhắc việc mở rộng diện tích trồng sao cho phù hợp với diện tích mà Công ty đăng ký bao tiêu sản phẩm với bà con, để bảo đảm cân đối cung cầu.

 

Tổ hợp tác trồng nghệ ở thôn Bản Cảm họp bàn và cho thành viên đăng ký diện tích trồng nghệ niên vụ năm 2018

Theo Hội Nông dân huyện Pác Nặm, cây nghệ trồng tại các xã Bộc Bố, Xuân La và Cao Tân, nếu trồng ở những nơi đất tốt sản lượng còn đạt tới 4 tấn/ha. Để đảm bảo cung ứng cho Công ty Nông sản Bắc Kạn với sản phẩm nghệ có chất lượng tốt nhất, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với UBND các xã thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện trồng và chăm sóc, đảm bảo trồng phải sạch, không sử dụng các loại phân hóa học hoặc các chất kích thích tăng trưởng. Năm 2018, toàn huyện Pác Nặm tiếp tục duy trì trồng với diện tích 50ha để cung ứng cho Công ty Nông sản Bắc Kạn, phía Công ty sẽ tiếp tục có văn bản cam kết về giá và bao tiêu sản phẩm với người dân.

Với lợi thế khí hậu thuận lợi nên năng suất, sản lượng, chất lượng tốt, có thể thấy cây nghệ khá phù hợp với nhiều diện tích đất sản xuất canh tác nông nghiệp của người dân Pác Nặm. Bởi vậy, chính quyền địa phương và người dân mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp đến đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm nghệ, chia sẻ lợi ích với người dân huyện Pác Nặm. Theo lãnh đạo huyện Pác Nặm, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để các doanh nghiệp đến ký kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho người dân./.



Văn Lạ
Nguồn: Báo Bắc Kạn điện tử
Sign In