Cây dong riềng ở Phja Phạ
( Cập nhật lúc:
27/11/2017
)
Những năm gần đây đồng bào Dao ở thôn Phja Phạ, xã Phúc Lộc (Ba Bể) chú trọng phát triển cây dong riềng. Không chỉ trồng, bà con còn đầu tư máy móc để sơ chế củ dong ra thành phẩm bột dong, nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm.
Sơ chế tinh bột ngay tại nương trồng dong riềng của gia đình anh Đặng Kiềm Cán
Phja Phạ nghĩa là “Núi trời”, đúng như tên gọi con đường đến trung tâm thôn khá nhỏ liên tục lên dốc, một bên là vực. Đến được Phja Phạ hình ảnh đầu tiên đó là những vạt dong riềng đang ở thời kỳ cho thu hoạch, người dân tranh thủ thời tiết khô ráo phát thân dong riềng để đào củ, một số hộ dân nổ máy sơ chế tinh bột ngay tại nương.
Cuộc sống ở Phja Phạ còn nhiều khó khăn khi chưa có điện lưới quốc gia, nhưng bà con đã chủ động đóng góp tiền kéo dây điện từ thôn Khuổi Trả (Phúc Lộc) và xã Thành Công, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) về thắp sáng, dù giá điện cao hơn. Đường đi lại khó khăn việc vận chuyển củ dong riềng đi bán sẽ bị lỗ, thấy sản lượng nhiều nên bà con đầu tư mua máy sơ chế tinh bột. Toàn thôn có khoảng 15 - 20 máy, giá trị từ 30 triệu đồng đến 80 triệu đồng/chiếc, phụ thuộc vào công suất hoạt động. Điều đó cho thấy người dân ở đây dù còn nhiều khó khăn nhưng có ý chí phát triển sản xuất.

Người dân Phja Phạ thu hoạch dong riềng
Tất bật bên chiếc máy liên hoàn rửa và nghiền củ dong riềng, anh Đặng Kiềm Cán - một trong những hộ trồng nhiều dong riềng của thôn cho biết: Gia đình anh đã thu hoạch dong riềng được mấy ngày hôm nay, thu đến đâu cũng sơ chế đến đó. Vụ dong riềng năm 2017, gia đình anh trồng hơn 2ha dong riềng, do ít lao động nên anh thuê khoán đào củ hết khoảng 30 triệu đồng. Dự kiến số diện tích anh trồng sẽ thu hoạch xong trong khoảng chục ngày. Năm 2014, gia đình bắt đầu trồng dong riềng, vì đường đi lại khó khăn chỉ có thể chở củ dong đi bán bằng xe máy nhưng chở bao giờ cho hết mấy chục tấn củ, vì vậy anh bàn bạc với gia đình đi xuống tỉnh Hà Tây xem và mua máy về sơ chế thành tinh bột, đầu tư khoảng 80 triệu đồng mua máy nổ, máy rửa củ, máy nghiền, máy lọc... tiết kiệm được nhiều thời gian. Năm 2016, gia đình anh thu được hơn 8 tấn tinh bột khô, dự ước năm 2017 thu khoảng 15 tấn tinh bột ướt, với giá hiện tại 10.000 đồng/kg thì trừ chi phí lãi được hơn 50 triệu đồng.
Vừa dẫn chúng tôi thăm nương dong riềng đang được nhân công phát, đào, đóng bao, anh Cán vừa bộc bạch: Cây dong riềng phù hợp với chất đất ở Phja Phạ, năm nay một số diện tích đất trồng lúa một vụ cũng được bà con chuyển sang trồng dong riềng. Củ dong nơi này to, lượng tinh bột cao nhưng con đường khó đi quá khiến chi phí cao, tất cả máy móc đều phải sử dụng sức người khiêng. Việc sơ chế tinh bột cần lượng nước chảy thường xuyên, khi rửa sạch đất ở củ dong đem nghiền, rồi đảo và lọc với nước để chảy qua 3 bể lọc khi lắng xuống, lớp bột trắng chính là tinh bột dong riềng.
Trồng dong riềng được 3 năm nay, hộ anh Đặng Phụ Vạng chia sẻ: Nhờ dong riềng mà cuộc sống gia đình anh khấm khá hơn. Vụ dong năm 2016, gia đình anh thu được khoảng 3 tấn tinh bột, giá bình quân 15-16 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cũng có một khoản đáng kể để trang trải cuộc sống hằng ngày. Vụ dong năm 2017, gia đình mở rộng thêm diện tích, những diện tích trồng ngô chuyển sang trồng dong riềng.
Cây dong riềng đã trở thành cây trồng chủ lực của 38 hộ dân đồng bào Dao Phja Phạ. Trồng cây dong riềng không mất nhiều công chăm sóc, khi trồng lót phân, đến thu hoạch làm cỏ 2-3 lần. Chất lượng củ dong riềng ở Phja Phạ cao hơn nhiều nơi khác bởi được trồng chủ yếu trên đất dốc, không ứ đọng nước, một ki-lô-gam củ dong sau khi sơ chế đạt 6 lạng tinh bột.
Ông Đặng Phù SLiệu - Trưởng thôn Phja Phạ chia sẻ: Vụ dong năm 2017, toàn thôn trồng hơn 15ha dong. Hiện, bà con đang thu hoạch và sơ chế thành tinh bột để bán. Đây là cây trồng bà con mong muốn gắn bó nhưng cũng trăn trở vì giá cả bấp bênh. Năm 2016, giá bán tinh bột bình quân từ 16-19 nghìn đồng/kg, nhiều hộ dân có thu nhập trên trăm triệu đồng. Năm nay, giá chỉ còn 10 nghìn đồng/kg, thu nhập giảm đi đáng kể.
Rời Phja Phạ khi đã quá buổi trưa nhưng tiếng máy sơ chế dong riềng vẫn đang hoạt động rền vang các triền nương, chúng tôi xuôi dốc mang theo mong muốn của đồng bào Dao nơi đây về con đường đủ rộng để ô tô đến tận nơi vận chuyển nông sản cho bà con, một nguồn điện lưới quốc gia để thay cho chiếc máy nổ. Hi vọng một ngày không xa, những nguyện vọng chính đáng của bà con sẽ được thực hiện, mở ra cuộc sống mới sung túc hơn cho bản vùng cao nơi đây./.