Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cây cam, quýt giúp nông dân xóa đói giảm nghèo

( Cập nhật lúc: 30/11/2017  )
Những năm gần đây, các xã Quang Thuận, Dương Phong và Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã trở thành vùng chuyên canh cây cam, quýt, được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, mỗi vụ đạt hàng nghìn tấn sản lượng, đem lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.


Giai đoạn 2006 - 2010, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, trong đó có hỗ trợ trên đất đồi để trồng cây cam, quýt. Cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh và huyện với sự nỗ lực lao động của người nông dân nên vùng trồng cây cam, quýt của huyện dần trở thành vùng sản xuất hàng hoá.

Diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập từ cây cam, quýt tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2010, diện tích cây cam, quýt là 725ha, sản lượng 2.130 tấn thì đến năm 2017 diện tích đã đạt trên 1.484ha, sản lượng đạt trên 6.000 tấn, giá trị khoảng 80 tỷ đồng.

 

Tư thương các tỉnh lân cận đến thu mua quýt tại xã Dương Phong, huyện Bạch Thông

Ông Cao Xuân Lãng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Thuận, thành viên Hợp tác xã Đại Hà chia sẻ: Chu kỳ vòng đời của một cây quýt khoảng 20 - 30 năm, cây càng già quả càng ngọt. Đã từ lâu chúng tôi không còn phải vận động người dân trồng nữa vì hiệu quả kinh tế đã rất rõ. Hiện tại toàn xã có khoảng 100 hộ có thu nhập từ cam, quýt với mức trung bình 300 triệu đồng/năm. Hiện một số bà con nông dân đã trồng mở rộng thêm diện tích cây cam sành, cam vinh, thời gian thu hoạch dài nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn.

 

Bà con nông dân xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông bán quýt trên trục đường Quốc lộ 3

Theo kế hoạch, trong những năm tới, Đảng bộ huyện Bạch Thông sẽ tập trung mở rộng diện tích cam với tiêu chí nâng cao năng suất và chất lượng; đẩy mạnh đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo 1000 ha cam, quýt và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; quan tâm tới công tác bảo quản sau thu hoạch bằng các hoạt động hỗ trợ công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản. Đồng thời, phối hợp với các ngành chuyên môn tăng cường xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ cam, quýt để góp phần nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng thương hiệu cho cam, quýt Bắc Kạn trên thị trường.

Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt Bắc Kạn. Nhờ đó quýt Bắc Kạn đã từng bước khẳng định được danh tiếng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng hơn, hiện nay quýt Bắc Kạn đã có mặt tại một số tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội với tổng lượng quýt bán ra trong mùa vụ trung bình mỗi ngày khoảng 100 tấn./.


 

Hồng Chiêm - Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn
Sign In