Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cam kết chặt chẽ bao tiêu dong riềng với nông dân

( Cập nhật lúc: 06/04/2018  )
Vụ dong riềng 2018, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo một trong những nội dung trọng tâm là sớm hoàn thành ký cam kết bao tiêu giữa các cơ sở chế biến với người trồng dong; chú trọng các điều khoản chặt chẽ hơn, tránh tình trạng ký rồi không mua như đã xảy ra trong năm 2017.


Năm 2018, Bắc Kạn đặt mục tiêu trồng 950ha dong riềng, sản lượng đạt 66.500 tấn. Rút kinh nghiệm từ vụ dong riềng năm 2017, năm nay hoạt động trồng dong riềng đã có nhiều đổi mới về phương pháp, địa bàn canh tác. Tỷ lệ trồng dong riềng lên luống dưới ruộng chiếm khoảng 1/3, phương pháp canh tác này cho năng suất bình quân cao hơn khoảng 15 tấn so với trồng soi, bãi nên dự kiến sản lượng dong củ sẽ lớn. Đồng thời để tránh tình trạng dồn ứ củ dong nguyên liệu cùng thời điểm, các địa phương đã thực hiện tốt việc trồng rải vụ từ tháng 12/2017. Tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai sớm việc ký cam kết bao tiêu cho người trồng. Tuy nhiên năm nay việc ký cam kết chưa thống nhất được giá tối thiểu cụ thể, một số địa phương chưa ký được cam kết.

Ba Bể là một trong những địa bàn trọng điểm về trồng dong riềng của tỉnh năm 2018. Vụ dong này huyện đặt mục tiêu trồng 280ha ở địa bàn 9 xã. Đến hết tháng 3, các xã đã hoàn thành chỉ tiêu trồng, những diện tích trồng sớm đã vào kỳ hai lá, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Vụ dong năm 2017, tại Ba Bể, một diện tích lớn dong đã được Công ty Hợp Nhất ký cam kết bao tiêu nhưng sau đó "bẻ kèo" không thu mua, ảnh hưởng tới người trồng. Do vậy, trong vụ dong 2018, huyện Ba Bể tập trung thảo luận kỹ, thống nhất cao với người trồng, cơ sở bao tiêu, tránh để tái diễn phá cam kết.

Bà Nguyễn Thị Nga - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Tại Ba Bể, trong số các xã trồng dong riềng có 4 xã có khả năng tự sơ chế một nửa dong nguyên liệu, một nửa phải bao tiêu; có 5 xã cần được bao tiêu toàn bộ. Do đó chúng tôi chỉ đạo các xã thống kê chính xác diện tích trồng rải vụ, diện tích cần bao tiêu của từng thôn để lên phương án bao tiêu. Trong tháng 4, huyện sẽ tổ chức hội nghị với Chủ tịch UBND 9 xã, các phòng liên quan và đơn vị đăng ký bao tiêu tại địa bàn là cơ sở Nhất Thiện. Sau khi ký biên bản, cam kết, từng xã phải phối hợp với cơ sở Nhất Thiện ký cam kết với từng hộ trồng. Huyện sẽ đặt mốc thời gian cho các xã phải ký xong, xã nào không ký được hết với các hộ dân sẽ phải tự chịu trách nhiệm việc bao tiêu về số chưa được ký sau này.

 

Không chế biến được hết lượng tinh bột thành miến dong nên các cơ sở trên địa bàn tỉnh phải bán bột về xuôi, dẫn tới khó chủ

động được giá thu mua dong củ cho người trồng. (ảnh: Phơi miến tại cơ sở sản xuất Chính Tuyển, Côn Minh, Na Rì)

Na Rì là địa bàn trồng nhiều dong nhất tỉnh với diện tích 500ha, trải đều trên 15 xã, sản lượng dong củ dự kiến đạt 35.000 tấn. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Na Rì, người dân đã thực hiện rất quy củ việc trồng rải vụ và lên luống dưới ruộng. Đến nay, người dân đã trồng được hơn 95% diện tích với thời gian rải vụ từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018. Huyện Na Rì đã rất chủ động trong công tác triển khai cho các cơ sở chế biến ký cam kết bao tiêu với nông dân. Đến nay đã có 13/15 xã hoàn thành công việc này, còn xã Côn Minh và Kim Lư sẽ hoàn thành trước trung tuần tháng 4/2018. Năm nay, trong cam kết bao tiêu, các cơ sở chế biến và nông dân thống nhất mức giá theo giá thị trường. Khi bước vào vụ thu hoạch, Hội Dong riềng Na Rì sẽ họp và thông báo giá chung để thu mua trên địa bàn.

Ông Nông Văn Chính - Chủ tịch Hội Dong riềng Na Rì cho biết: Rất khó để chốt giá tối thiểu khi cam kết thu mua với người dân, vì phần lớn lượng bột chế biến từ dong nguyên liệu được tiêu thụ về xuôi, chỉ một phần chế biến thành miến. Trong khi đó rất nhiều tỉnh cũng trồng, chế biến bột dong nên giá bột rất khó dự đoán. Nếu giá bột dong thấp thì đương nhiên giá thu mua củ dong không cao được. Năm 2017, dù cam kết giá tối thiểu 1.500 đồng/kg củ nhưng có lúc giá xuống 1.200 đồng/kg khiến nhiều cơ sở chế biến không có lãi. Tuy nhiên, các cơ sở cũng sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo thu mua với giá ổn định, hài hòa lợi ích giữa cả đôi bên khi vào vụ thu hoạch.

Trong khi đó, tại huyện Pác Nặm, năm nay chỉ tiêu giao 30ha, đến nay người dân đã cơ bản trồng xong nhưng việc tìm đầu ra theo cách bao tiêu thì chưa có. Đồng chí Nguyễn Đình Điệp - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Chúng tôi đã kết nối, liên hệ với một số đơn vị nhưng chưa có cơ sở chế biến nào làm việc cụ thể hay thống nhất với huyện sẽ cam kết bao tiêu cho bà con. Để người dân yên tâm, huyện chỉ đạo kết nối với các cơ sở chế biến nội tỉnh và cả ngoại tỉnh để bảo đảm dong củ sẽ tiêu thụ được hết. Bên cạnh đó, huyện cũng tìm giải pháp hỗ trợ cho hai cơ sở chế biến trên địa bàn để tiêu thụ dong củ cho nhân dân.

Việc sớm ký cam kết bao tiêu dong riềng là chủ trương phù hợp, nhưng kèm theo đó cũng có những hạn chế cần được lưu tâm. Do chưa chủ động hoàn toàn đầu ra nên việc chốt giá tối thiểu sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây lỗ cho các cơ sở bao tiêu nếu giá bán bột dong xuống thấp. Việc bao tiêu chủ yếu phụ thuộc vào các cơ sở trong tỉnh, vô hình chung tạo nên một "đặc quyền" cho các cơ sở chế biến, bao tiêu. Điều này dẫn tới tình trạng, khi phát biểu trên hội nghị của tỉnh một số cơ sở hô hào, khẳng định sẽ bao tiêu cho huyện này, huyện kia. Nhưng thực tế đến khi thu hoạch, hay mới nhất là đầu vụ 2018, một số cơ sở chưa tỏ ra mặn mà, thậm chí "bẻ kèo". Thứ ba, việc ký cam kết đa phần thực hiện khi việc trồng dong đã xong tức là phần nào đó trách nhiệm của người trồng sẽ không cao. Nếu như việc ký cam kết thực hiện trước khi trồng, các cơ sở chế biến đầu tư vốn, người dân trồng theo đúng hợp đồng và bán lại củ khi thu hoạch thì có lẽ sẽ chặt chẽ hơn.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Cương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với diện tích khoảng 950ha, các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh đủ khả năng bao tiêu hết sản lượng dong củ. Việc trồng rải vụ sẽ đỡ quá tải cho cả người trồng lẫn người mua dong củ. Chúng tôi chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tổ chức cho người dân ký cam kết thật chặt chẽ với các cơ sở bao tiêu. Tuy nhiên, về phía người dân cũng cần phải giữ đúng những điều khoản đã cam kết với cơ sở chế biến, không để xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán nhất là khi dong củ sẽ thu hoạch từng đợt do đã trồng rải vụ.

Thực tiễn thị trường cho thấy, việc ký cam kết bao tiêu hiện vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Rất khó để xử phạt hay bắt đền bù nếu như các cơ sở chế biến không mua. Các cơ sở chế biến nếu không bán được tinh bột với giá cao cũng khó lòng thu mua đúng với giá cam kết được. Nguyên nhân cơ bản là do chuỗi liên kết trong sản xuất mới chỉ dừng ở hai khâu là sản xuất và chế biến, còn khâu thị trường chưa chủ động được. Về lâu dài vẫn cần tăng mạnh kết nối thị trường cho sản phẩm miến dong ổn định, từ đó chế biến phần lớn tinh bột sản xuất ra. Bản thân các cơ sở chế biến trước khi ký cam kết với nông dân cũng đã phải ký được cam kết tiêu thụ sản phẩm của mình rồi thì bài toán chuỗi liên kết mới có lời giải thỏa đáng./.


 

Nguồn: Báo Bắc Kạn điện tử
Sign In