Tăng cường phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng
( Cập nhật lúc:
28/04/2021
)
Nhằm chủ động phòng trừ, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.

Nông dân xã Yến Dương (Ba Bể) chăm sóc ngô
Đối với cây ngô, sâu keo mùa thu gây hại rải rác tại các huyện, thành phố, mật độ phổ biến 1 con/m2, cao 3 con/m2, cá biệt 5-7 con/m2; tổng diện tích nhiễm 12ha (nhiễm mới 2ha), trong đó nhiễm nhẹ 08ha, trung bình 03ha, nặng 01ha;những diện tích mật độ hại thấp người dân chủ động phòng trừ bằng các biện pháp thủ công, những diện tích mật độ hại cao đã được bà con phun trừ. Đối với cây lúa bệnh đạo ôn gây hại rải rác trên các giống lúa nếp, TBR 225, J02, Bắc hương... tỷ lệ hại phổ biến 1-2% lá, cao 5-8% lá, cá biệt 30-40% lá; tổng diện tích nhiễm 8,9ha (nhiễm mới 8,2ha), trong đó nhiễm nhẹ 6,65ha, trung bình 2,2ha, nặng 0,1ha, bà con đã phun phòng trừ được 14ha. Bọ rầy gây hại rải rác ở các huyện, thành phố mật độ phổ biến 100-250 con/m2, trung bình 390-500 con/m2, cá biệt 800-1.600 con/m2; tổng diện tích nhiễm 29ha (nhiễm mới), trong đó nhiễm nhẹ 22ha, trung bình 7ha, bà con đã phun phòng trừ được 41ha.
Ngoài ra, bệnh thán thư gây hại trên cây hồng không hạt và cây hồi. Đây là bệnh có thể gây hại trên các bộ phận từ lá, cành, chồi non, quả non. Triệu chứng khi cây bị nhiễm là trên bộ phận bị bệnh của cây xuất hiện các vết đốm lớn màu nâu sẫm, có viền nâu đỏ. Vết đốm sẽ lan rộng và có thể tạo ra vết hoại tử. Đối với các vết bệnh trên lá, khi nhìn mặt dưới có thể thấy xuất hiện lấm tấm bào tử màu đen. Bệnh thường lây truyền nhờ nước hoặc gió. Xuất hiện vào mùa mưa ẩm hoặc do tưới ẩm nhiều lên bề mặt lá một cách không kiểm soát.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV, bệnh thán thư gây hại cây hồng không hạt rải rác tại huyện Chợ Đồn và Ba Bể với tỷ lệ hại 2-3% lá, cao 8% lá; tổng diện tích nhiễm nhẹ 2,2ha tại xã Đồng Lạc, Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn; bệnh thán thư gây hại cục bộ tại xã Bình Văn, huyện Chợ Mới với tỷ lệ hại phổ biến 3% lá, cao 15% lá; tổng diện tích nhiễm nhẹ 1ha.
|
Mặc dù diện tích bị nhiễm không cao nhưng đây là loại bệnh lây lan cần được phòng trừ kịp thời. Đối với những diện tích, khu vực thường xuyên xuất hiện bệnh thán thư gây hại, cần tập trung chỉ đạo người dân tiến hành phun phòng ngay khi cây ra lộc, thời điểm trước và sau khi ra hoa bằng các loại thuốc theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đồng thời, lưu ý đối với bệnh thán thư, trên cơ sở các biện pháp phòng trừ cần thực hiện thêm một số giải pháp sau:
- Sau khi thu hoạch xong phải tiến hành phát dọn vệ sinh vườn cây, cắt bỏ cành khô, cành tăm, cành đã nhiễm sâu bệnh, tiêu hủy những cành, lá bị bệnh để tránh bệnh lây lan ra diện rộng và tạo sự thông thoáng cho cây, kết hợp bón phân cân đối giúp cho cây phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Giai đoạn cây đang mang bệnh ngừng bón phân, đặc biệt là phân đạm.
- Thường xuyên kiểm tra vườn, chủ động phun phòng bệnh khi cây ra lộc, thời điểm trước và sau khi ra hoa, đặc biệt là khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho nấm bệnh phát triển. Khi bệnh chớm xuất hiện, tiến hành cắt bỏ và tiêu hủy cành lá, quả bị bệnh. Sử dụng một trong các loại thuốc để phun phòng, trừ bệnh như: CabrioTop 600WG, Phucbay 325SC, Score 250EC, Nano đồng, Nano bạc, Daconil, Aliette, Ridomil Gold... Những diện tích bị bệnh tiến hành phun 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày.
- Để hạn chế rụng quả, trong thời gian cây nuôi quả cần bón phân cho cây đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng như phân hữu cơ, phân lân, đạm, kali. Ngoài ra, hằng tháng nên tưới thêm 1 - 2 lần nước phân NPK pha loãng hoặc phun thêm các loại phân vi lượng (phân bón qua lá) cho cây để tăng cường dinh dưỡng, góp phần hạn chế rụng quả. Những diện tích rừng trồng hồi lâu năm, cây cao: Sử dụng các loại máy phun động cơ hoặc máy phun thuốc trừ sâu dạng khói để phun phòng, trừ bệnh.../.