Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cây chít ở Mỹ Thanh

( Cập nhật lúc: 14/03/2017  )
Mặc dù thu nhập chỉ theo thời vụ, nhưng tại Mỹ Thanh (Bạch Thông), cây chít được nhiều hộ dân đầu tư, khai thác hiệu quả trong nhiều năm gần đây. Địa phương đang phấn đấu để đưa cây trồng này trở thành sản phẩm hàng hóa ổn định, lâu dài...


Giá cả ổn định

Dịp tháng 1 đến tháng 3 dương lịch hằng năm là mùa ra bông của cây chít. Cây chít có ưu điểm là không phải mất nhiều công đầu tư, chăm sóc, thời gian từ khi trồng đến khi được thu hoạch nhanh chỉ trong vòng 1 năm. Đến thời vụ không ít người thu về tiền triệu từ cây trồng này. Tuy nhiên, nhược điểm là khai thác khá khó khăn vì cây thường mọc ở những địa hình cao dốc, rậm rạp. Do vậy, để thu hoạch bông chít, người nông dân thường phải trang bị kỹ bảo hộ lao động như găng tay, đi giầy, bịt khẩu trang, đội mũ nón để cơ thể khỏi bị trầy xước.

 

 

Người dân thôn Nà Cà, xã Mỹ Thanh thu hoạch bông chít

 

Hiện nay xã Mỹ Thanh có tới 53ha chít, phần lớn diện tích đều do người dân tự trồng trên đồi, hoặc trên nương rẫy. Trước đây khá nhiều diện tích đất đồi ót, hoặc canh tác lâu năm dẫn tới bạc màu nên một số hộ dân đã đưa chít về trồng thử. Sau đó, nhận thấy cây trồng này phù hợp với đất đai lại được nhiều tư thương tìm mua nên dần dần đã có nhiều hộ trồng. Hiện tại cây chít được trồng rải rác khắp các thôn nhưng nhiều nhất vẫn là ở các thôn Phiêng Kham, Bản Châng, Nà Cà. Vào tháng 2 dương lịch là thời điểm nhộn nhịp nhất của người dân đi thu hoạch, bán chít. Theo người dân cho biết, năm nay mùa chít kết thúc khá sớm bởi thời tiết thuận lợi, trong thời vụ trời khô hanh, ít mưa nên rất thuận lợi cho bà con thu hoạch, sản phẩm có chất lượng khá tốt.

Gia đình anh Triệu Phúc Tiến ở thôn Phiêng Kham trồng được khoảng 1ha chít, riêng vụ này thu về khoảng 30 triệu đồng. Theo anh Tiến nhận định: Cây chít là mang lại thu nhập khá đều, ít rủi ro. Chính vì thế, gia đình cũng đang từng bước mở rộng diện tích. Quá trình trồng chít không khó, sau một năm các khóm chít đã cho thu hoạch trong khi chỉ mất công trồng ban đầu, không phải bỏ công đầu tư phân bón, chăm sóc. Thông thường mỗi năm làm cỏ 1 đến 2 lần và cứ thế cho thu hoạch năm nọ sang năm kia.

Theo người dân địa phương, giá thu mua bông chít hầu như rất ít biến động, bình quân chít tươi có giá 5.000 đồng/kg, chít khô có giá 17.000 - 19.000 đồng/kg. Trên địa bàn xã, hộ nào trồng nhiều cũng cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/vụ, hộ ít cũng có thu nhập vài triệu đồng/vụ.

Hầu hết sản phẩm chít trên địa bàn đều được các tư thương đánh xe vào tận thôn, trung tâm xã để thu gom, người dân không phải mất công đi tìm mối tiêu thụ. Ngoài một số tư thương tại thành phố Bắc Kạn vào cân mua thì trên địa bàn hiện nay cũng đã có 3 người đứng ra thu gom chít cho người dân. Bà Triệu Thị Lai ở thôn Phiêng Kham là người đứng ra thu gom chít từ nhiều năm nay cho biết: Dự kiến vụ chít năm nay cân được khoảng 30 tấn, giá bình quân là 17.000 đồng/kg. Bông chít ở đây chủ yếu chở về tiêu thụ tại các tỉnh đồng bằng như Hải Dương, Bắc Ninh cho các làng nghề truyền thống.

Định hướng phát triển cây chít

Với diện tích khoảng 50ha, qua tính toán của xã thì sản lượng chít mỗi năm đạt từ 150 đến 200 tấn giá trị mang lại vài tỷ đồng. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế từ cây chít mang lại là không nhỏ.

Người trồng chít ở đây đã biết cách khai thác, bảo quản chít sau thu hoạch, nhất là khi về đêm chít phơi ngoài trời đều được bà con phủ bạt kín để tránh sương muối, mưa ướt, bông chít không bị đen. Mặc dù cây chít ở Mỹ Thanh đã trồng cách đây gần chục năm nhưng vẫn chỉ theo hướng tự phát, người dân chưa biết cách đầu tư chăm sóc vì thế một số khóm lâu năm phát triển kém.

 

 

Bà Triệu Thị Lai ở thôn Phiêng Kham là người đứng ra thu mua sản phẩm chít ở xã từ nhiều năm nay

 

Hiện nay xã Mỹ Thanh đã đưa cây chít vào cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương với chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm mở rộng, trồng mới thêm vài héc ta. Mặc dù đề ra là vậy nhưng tính đến nay vẫn chưa có một chính sách nào để khuyến khích phát triển cây trồng này.

Theo đồng chí Đặng Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã, thực hiện chủ trương của huyện là mỗi xã phải có một sản phẩm nông, lâm nghiệp hàng hóa, xã Mỹ Thanh đang có ý định đưa cây chít trở thành sản phẩm đặc trưng. Nhưng để làm được điều này địa phương rất cần cấp trên quan tâm, xem xét, có chính sách hỗ trợ như quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc có kế hoạch liên kết, quan tâm đào tạo nghề về đan, bện sản phẩm từ chít qua đó sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu thu nhập luôn là bài toán quan trọng, quyết định đến chất lượng đời sống nhân dân. Chính vì thế, việc khuyến khích đầu tư, mở rộng diện tích đối với những cây trồng thế mạnh như cây chít được coi là hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện địa phương để góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cần được quan tâm đúng mức.../.

Nguồn: Báo Bắc Kạn điện tử
Sign In