Bắc Kạn sau 10 năm thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng
( Cập nhật lúc:
13/01/2020
)
Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu và thực hiện đạt hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Qua đó góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, nâng cao vị thế của tổ chức Hội, củng cố và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Những con đường giao thông nông thôn được làm mới có sự đóng góp không nhỏ của hội viên nông dân
10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW đã mang đến sự thay đổi tại nhiều địa phương. Nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới đó là các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được 8.379 triệu đồng, với 600.402 công lao động để làm mới, sửa chữa 1.767km kênh mương, 1.308km đường giao thông nông thôn, tu sửa, làm mới 179 cầu, cống, 168 phòng học, nhà họp thôn và các công trình phúc lợi khác ở nông thôn. Với sự tham gia tích cực của hội viên nông dân, các công trình công cộng ở địa phương ngày càng khang trang, sạch đẹp, bộ mặt nông thôn có sự đổi thay rõ rệt.
Để hỗ trợ hội viên nông dân có vốn phát triển kinh tế, những năm qua, Hội Nông dân các cấp tỉnh Bắc Kạn đã ký kết hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội qua tổ chức Hội Nông dân là 585.683 triệu đồng cho 12.840 hộ vay; dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 101.424 triệu đồng cho 1.341 hộ vay, giúp nông dân có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Hội Nông dân đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản tại các hội nghị kết nối cung cầu và hội chợ thương mại
Cùng với đó, các cấp Hội cũng chủ động phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, áp dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh. Những năm qua, Hội Nông dân đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Bắc Kạn” cho 22 cơ sở sản xuất, chế biến miến dong; cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Khẩu nua lếch” cho 03 cơ sở; cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Gạo bao thai Chợ Đồn” cho 10 hộ, 01 doanh nghiệp, 01 hợp tác xã và 09 tập thể Hội Nông dân cơ sở. Lựa chọn sản phẩm tham gia các hội chợ, các chương trình bình chọn, tôn vinh sản phẩm tiêu biểu do Trung ương Hội và các đơn vị trong, ngoài tỉnh tổ chức. Nhờ đó, sản phẩm gạo bao thai Chợ Đồn, sản phẩm miến dong Triệu Thị Tá đã 03 lần liên tiếp được công nhận “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”, góp phần giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo điều kiện cho Hội hoạt động, nhất là phối hợp thực hiện các phong trào thi đua do Hội cấp trên phát động. Từ đó khơi dậy được nội lực, truyền thống, tình cảm của nông dân trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển, góp phần xây dựng NTM.
Thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, hằng năm, Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện đều chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp xem xét cân đối ngân sách địa phương, bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, đồng thời tham mưu cho Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 61 ban hành kế hoạch và tổ chức vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Mặc dù điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã cấp 5,69 tỷ đồng bổ sung cho Quỹ. Tổng số vốn hiện đang cho vay từ nguồn quỹ trên 4,82 tỷ đồng cho 130 hộ vay, số vốn còn lại đang tiếp tục hướng dẫn các hộ xây dựng dự án vay vốn. Qua kiểm tra, các dự án vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và được chuyển giao khoa học trước khi giải ngân, điển hình như: Dự án trồng và chăm sóc cam quýt ở xã Quang Thuận, Dương Phong, huyện Bạch Thông; dự án trồng chuối và sấy khô nông sản ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông; dự án nuôi rắn hổ mang ở thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới; dự án nuôi trâu bò vỗ béo ở xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm; dự án trồng quế tại xã Yên Cư, huyện Chợ Mới… Từ hoạt động này đã góp phần thu hút nhiều nông dân vào tổ chức Hội, nhiều hộ được vay vốn đã đầu tư phát triển sản xuất vươn lên trở thành hộ khá giàu, đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Trong 10 năm, Hội đã tích cực vận động kết nạp được 9.816 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 49.981 hội viên, chiếm 83,7% so với tổng số hộ nông nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, trình độ cán bộ Hội các cấp được quan tâm, đội ngũ cán bộ Hội từ cấp tỉnh đến cơ sở cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân trong tình hình mới.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục làm tốt công tác phổ biến, quán triệt sâu rộng về nội dung Kết luận 61-KL/TW nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các cấp Hội và hội viên nông dân; chú trọng đổi mới, phương thức hoạt động và đẩy mạnh nâng cao chất lượng các phong trào Hội Nông dân; hỗ trợ, tạo điều kiện để các cấp Hội đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, dịch vụ và hỗ trợ nông dân, trọng tâm là triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, giúp nông dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các hình thức kinh tế tập thể; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đề án tại các địa phương nhằm tạo nguồn lực và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cấp Hội để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Nông dân, xây dựng giai cấp nông dân ngày càng vững mạnh./.